VNG: Quảng cáo và game trực tuyến đứt mạch tăng trưởng, bơm nghìn tỷ cho một "game" mới
VNG đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào trung tâm dữ liệu (Data Center) và mua cổ phần các công ty khởi nghiệp công nghệ dựa trên nền tảng dữ liệu trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, ví điện tử ZaloPay vẫn đốt của kỳ lân "tiền tấn".
- 15-02-2023Chuỗi đệm lớn nhất Việt Nam biến tấu "Vua Nệm" thành "Vua Nện", dùng nam nhân cởi trần "nựng - xoa - bế": Độc đáo hay một lần nữa làm chiêu phản cảm?
- 15-02-2023Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục đạt gần 100 tỷ lợi nhuận trong tháng đầu năm 2023
- 15-02-2023Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng: Người dân mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát bình tĩnh chờ
Ngôi vị cổ phiếu thú vị nhất thị trường chứng khoán Việt Nam lúc này có lẽ đang thuộc về CTCP VNG (mã chứng khoán: VNZ). Chín phiên giao dịch tăng trần liên tiếp, với mức tăng 15% trên UPCoM đã biến VNZ trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất mọi thời đại. Kết thúc ngày 14/2, VNZ đạt 1,1815 triệu đồng. Vốn hoá thị trường của VNZ khoảng 42.350 tỷ đồng, xấp xỉ 1,8 tỷ USD. VNZ là “kỳ lân” đầu tiên của Việt Nam, từ để chỉ các công ty công nghệ đạt mức định giá trên 1 tỷ USD.
Nhưng cần lưu ý rằng, khối lượng giao dịch cổ phiếu VNZ trong những phiên tăng trần vừa qua là không đáng kể. Điều này khiến cho độ tin cậy về định giá công ty theo vốn hoá thị trường không cao.
VNG là kỳ lân công nghệ, nhưng cụ thể công ty này làm gì? Đây là yếu tố quyết định chính trong việc nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu tiền để mua một cổ phiếu.
Quảng cáo và game trực tuyến vẫn chiếm 94% tổng doanh thu, nhưng đã đứt mạch tăng trưởng
VNG đạt doanh thu thuần 7.800 tỷ đồng năm 2022, theo báo cáo tài chính công bố. Con số này tương đương với năm 2021 và làm công ty đứt mạch tăng trưởng nhanh chóng suốt từ năm 2018. VNG lỗ sau thuế 1.315 tỉ đồng, mức lỗ lớn nhất lịch sử. Khoản lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 858 tỷ đồng.
Cho đến năm 2021, nguồn thu chính của VNG đến từ mảng trò chơi và quảng cáo trực tuyến, chiếm tới 94% tổng cơ cấu. Đây có thể coi là hai mảng kinh doanh “truyền thống” của VNG và đạt tốc độ tăng trưởng cao theo từng năm. Sự chững lại về doanh thu trong năm 2022 có khả năng đến từ một trong hai mảng kinh doanh trụ cột này, hoặc thậm chí là cả hai. Trên thực tế, doanh thu năm 2022 của VNG chỉ đạt 77% kế hoạch, tỷ lệ thấp nhất trong nhiều năm.
Triển khai những khoản đầu tư rất lớn: Đã bơm gần 1.000 tỷ cho Data Center
Dù lỡ một loạt chỉ tiêu tài chính quan trọng, 2022 là một năm bản lề đối với hoạt động đầu tư của VNG.
Thực tế, kỳ lân công nghệ đã triển khai các khoản đầu tư rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy VNG đã chi gần 1.500 tỷ đồng mua sắm tài sản cố định và gần 1.300 tỷ đồng đầu tư vào các đơn vị khác.
Một trong những thay đổi lớn nhất có thể thấy được trong báo cáo tài chính là giá trị xây dựng dở dang của dự án VNG Data Center tăng từ 84 tỷ đồng lên 993 tỷ đồng. Cuối năm ngoái, VNG cho ra mắt trung tâm dữ liệu với quy mô tủ rack (tủ lắp đặt máy chủ) lớn nhất Việt Nam. Dự án tại Quận 7, TP HCM, trên diện tích gần 8.000 m2.
Data Center là một tòa nhà, một không gian dành riêng trong một tòa nhà hoặc 1 nhóm tòa nhà có năng lực cung cấp và khả năng dự phòng cho nguồn điện, kết nối dữ liệu, làm mát, phòng cháy chữa cháy và các thiết bị an ninh khác... đảm bảo cho các hệ thống công nghệ thông tin với quy mô và cấu hình khác nhau hoạt động.
Tại đó chứa đựng các máy tính được nối mạng, hệ thống lưu trữ và cơ sở máy tính mà các tổ chức dùng để lắp ráp, xử lý, lưu trữ và phổ biến lượng lớn dữ liệu.
“Các doanh nghiệp đang tìm cách thích ứng và đổi mới trên nền tảng dữ liệu, việc lưu trữ dữ liệu an toàn và có khả năng mở rộng là điều cần thiết”, ông Gary McKinnon, giám đốc cấp cao tại VNG nói trong buổi lễ khánh thành VNG Data Center.
Trung tâm dữ liệu là thành phần quan trọng của điện toán đám mây, nó cung cấp cơ sở hạ tầng cơ bản và các tài nguyên cần thiết để hỗ trợ dịch vụ đám mây, một trong những mảng dịch vụ chiến lược của VNG, được đảm nhiệm bởi VNG Cloud. Công ty hiện đang sở hữu hai trung tâm dữ liệu chuẩn quốc tế đặt tại Việt Nam. Theo dữ liệu thu thập đến năm 2020, doanh thu của VNG Cloud đạt 335 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 130 tỷ đồng.
Bên cạnh đầu tư mạnh tay vào trung tâm dữ liệu, việc lỗ nặng trong năm ngoái của VNG cũng có nguyên nhân quan trọng đến từ việc đầu tư vào ZaloPay, thuộc quản lý của CTCP Zion. VNG muốn định hướng ZaloPay trở thành ví điện tử “không thể thiếu” trong đời sống người Việt và chấp nhẫn thua lỗ gia tăng trong nhiều năm trở lại đây.
Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, VNG cũng đang đóng vai trò là nhà đầu tư hết sức năng động với các thương vụ cả trong và ngoài nước. Năm 2022, hai khoản đầu tư đều có giá trị trên 500 tỷ đồng được kỳ lân rót vào Telio, công ty phát triển ứng dụng thương mại điện tử do ông Bùi Sỹ Phong sáng lập; và Funding Asia hay cụ thể hơn là Funding Societies, công ty cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME Lending). Năm ngoái, VNG còn đầu tư thêm vào Ecotruck, công ty cung cấp giải pháp công nghệ logistic. Các mô hình kinh doanh này đều dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu, dịch vụ thế mạnh của VNG.
Khi nhắc về những công ty liên kết, sẽ thiếu sót nếu không kể tên Tiki Global, vận hành sàn thương mại điện tử Tiki. VNG sở hữu 14,61% cổ phần công ty này tính đến 31/12/2022. Trên thực tế, cả Tiki và VNG đều đã đề cập đến kế hoạch huy động vốn và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán quốc tế.
Cuối cùng, một trong những tài sản quan trọng của VNG là ứng dụng nhắn tin Zalo, nơi kỳ lân đang muốn tích hợp vào đa dịch vụ để trở thành siêu ứng dụng thiết yếu đối với người dùng. Zalo có gần 75 triệu người dùng thường xuyên, theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tháng 2/2022.
Nhịp sống thị trường