MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vợ chồng mua đứt căn nhà 3,7 tỷ đồng: Không gặp áp lực tài chính vì tuân thủ 1 nguyên tắc

12-01-2024 - 11:45 AM | Lifestyle

Bởi vì đã có sự chuẩn bị từ đầu nên cặp đôi không gặp quá nhiều áp lực về tài chính khi mua nhà.

Kinh nghiệm chọn chung cư và làm việc cùng môi giới

Vũ Quỳnh Phương (SN 1992) và chồng Nguyễn Ngọc Thiện (SN 1991) đang sinh sống tại Hà Nội. Mới đây, cặp đôi đã chi 3,7 tỷ đồng mua căn nhà 109m2 gồm 2 phòng ngủ và 1 phòng vệ sinh vào tháng 10/2023. Chỉ sau đó không lâu, cặp đôi đã nhận bàn giao nhà. Sau khi mua nhà, vợ chồng cô nàng còn dành thêm 600 triệu đồng để cải tạo lại không gian sống.

“May mắn là vợ chồng mình hầu như không cần vay tiền để mua và sửa nhà. Mình có vay một chút ít từ người thân với lãi suất 0%”, Quỳnh Phương nói thêm.

Vợ chồng mua đứt căn nhà 3,7 tỷ đồng: Không gặp áp lực tài chính vì tuân thủ 1 nguyên tắc - Ảnh 1.

Vợ chồng Quỳnh Phương

Để mua được nhà, cặp đôi đã đi tham khảo 2-3 dự án chung cư từ tháng 4 năm ngoái. “Sau quá trình đi xem nhà, mình vẫn thấy ưng nhất căn hộ hiện tại. Lúc đầu mình hơi do dự vì khu này hơi vắng vẻ. Tuy nhiên đổi lại là không gian sống yên tĩnh, không khí cũng trong lành, cảnh quan có nhiều cây xanh và hầm để xe rất rộng nên mình chốt mua luôn”, cô nàng nhớ lại.

Khi đi tìm dự án chung cư, cặp đôi cân nhắc nhiều yếu tố. Thứ nhất chủ đầu tư phải uy tín, nhà ở có giấy tờ pháp lý rõ ràng. Tiếp theo, chung cư không cần gần trung tâm thành phố, nhưng phải thoáng, có nhiều tiện ích như bể bơi, gym, sân chơi cho bé… Sau cùng, mật độ cư dân không quá đông đúc và tránh ồn ào, thiết kế layout căn hộ tối ưu, thoải mái sinh sống.

Nói về kinh nghiệm làm việc cùng môi giới trong quá trình tìm nhà, Quỳnh Phương chia sẻ: “Để tìm được môi giới có tâm thì tốt nhất mình nên trải nghiệm với nhiều bạn môi giới để có sự so sánh về giá cả và cách làm việc. Bên cạnh đó, mình nghĩ 1 môi giới tốt sẽ giúp mình nắm được nhiều thông tin như khoản chi phí, thủ tục pháp lý cho căn hộ như phí môi giới, phí đặt cọc, phí làm giấy tờ, phí công chứng… Tất cả thông tin này đều phải cung cấp rõ ràng ngay từ đầu thì mình mới nên tin tưởng làm việc tiếp với họ".

Căn nhà của vợ chồng Quỳnh Phương

Nguyên tắc tài chính để mua nhà

Trước đó, khi chuẩn bị nền tảng tài chính để mua căn nhà đầu tiên, họ đã phân chia thu nhập hàng tháng theo nguyên tắc: 40% để vào quỹ tiết kiệm, 50% cho chi phí sinh hoạt gia đình và 10% còn lại dành để đi đầu tư.

“Chúng mình đều làm freelancer nên nguồn thu nhập không cố định. Có tháng thì nhiều tiền, có tháng thì cũng vừa đủ tiêu xài. Tuy nhiên, chúng mình luôn đặt mục tiêu rõ ràng, xem xét hàng tháng cần dành ra bao nhiêu tiền. Lúc đầu số tiền tích lũy có thể không quá nhiều nhưng cứ ‘tích tiểu thành đại’ thì cuối cùng cũng đủ tiền mua nhà", Quỳnh Phương nói thêm.

Cũng vì có sự chuẩn bị từ trước nên sau khi mua nhà, tài chính của cặp đôi cũng không có quá nhiều thay đổi. “Mua nhà xong, vì đồ nội thất vẫn còn thiếu thứ nên chúng mình cũng sắm thêm đồ decor. Do đó, ngân sách cần chi trong những tháng đó cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, mình nghĩ chắc ai mới mua nhà cũng thế thôi. Vì quan điểm muốn nhà cửa được trang trí đẹp theo ý mình".

Những hình ảnh khác bên trong căn nhà

Sau cùng, vợ chồng cô nàng đưa ra lời khuyên cho những cặp đôi dự định mua nhà để tiết kiệm thời gian và chi phí: “Mình nghĩ bạn nên tham khảo thật nhiều dự án để có sự so sánh, và tìm được bạn môi giới có tâm. Nếu đã ưng dự án nào rồi, chuẩn bị xuống tiền thì hãy đến đó, xem cư dân ở đó sinh hoạt như thế nào? Ngoài ra, bạn có thể nói chuyện với các chú bảo vệ xem có vấn đề gì cập rập ở đó không thì hẵng ‘chốt đơn’.

Còn để tiết kiệm chi phí và thời gian thì lúc nhận nhà nếu nhà mình cần sửa chữa, thiết kế lại nội thất thì mình nên nhờ bên thiết kế nội thất tư vấn thì sẽ tối ưu hơn rất nhiều so với việc tự làm (trong trường hợp nếu bạn không có chuyên môn) thì sẽ phải đập đi xây lại rất nhiều”.

Ảnh: NVCC

Theo Vân Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên