MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vỡ hụi gần 60 tỉ đồng, hàng trăm gia đình điêu đứng

02-05-2016 - 15:35 PM | Xã hội

Liên quan đến vụ vỡ hụi dây chuyền tại Thanh Hóa, đã có 160 người tới UBND xã Phú Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) trình báo đã cho các chủ “hụi” vay với số tiền gần 60 tỉ đồng.

Sáng 2-5, trao đổi với Báo, ông Nguyễn Quý Do, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, cho biết đến thời điểm này đã có 160 người tới UBND xã trình báo cho các chủ “hụi” vay với số tiền gần 60 tỉ đồng. Đến nay đã có một số chủ hụi bỏ trốn khỏi địa phương.

Theo báo cáo của Công an huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), đơn vị này có nhận được đơn thư của công dân các xã Phú Sơn, Phú Lâm, Tân Trường (huyện Tĩnh Gia), đề nghị cơ quan công an vào cuộc việc vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh (SN 1979) và vợ là bà Trần Thị Hà (SN 1981, ngụ thôn Trung Sơn, xã Phú Sơn); ông Nguyễn Khắc Dũng (SN 1971) và vợ là bà Lê Thị Thịnh (SN 1973, ngụ thôn Trung Sơn, xã Phú Sơn), là chủ “hụi” có hành vi lừa đảo , lạm dụng tín nhiệm của nhân dân để chiếm đoạt tài sản là tiền tham gia vào “hụi” nhưng đến nay không trả.

Qua điều tra ban đầu, cơ quan công an xác minh tại xã Phú Sơn có nhiều người là chủ “hụi” rủ rê, lôi kéo nhiều người khác tham gia “hụi” gọi là “con hụi” đóng góp tiền hàng tháng cho người trúng “hụi” hoặc đóng tiền 1 lần cho chủ “hụi” tùy theo thỏa thuận chung của “hụi”. Do hoạt động của “hụi” không chặt chẽ nên các chủ “hụi” không có khả năng thanh toán tiền lãi hay tiền góp dẫn tới hiện tượng “vỡ hụi”.

Theo thống kê của Công an huyện Tĩnh Gia, đến nay đã nhận được đơn tố giác của 160 công dân ở 3 xã Phú Sơn, Phú Lâm và Tân Trường với tổng số tiền tham gia chơi “hụi” và cho vay lên tới gần 60 tỉ đồng. Trong số đó có người vừa chơi vừa là chủ “hụi” là bà Trần Thị Thành (ngụ thôn Trung Sơn, xã Phú Sơn) báo cáo bị các con “hụi” chạy không trả với số tiền 10 tỉ 228 triệu đồng, người thấp nhất là 4,8 triệu đồng.

Trước tình hình trên, Công an huyện Tĩnh Gia đã cử một tổ công tác về xã Phú Sơn tiếp nhận đơn thư của công dân, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an ninh trật tự, giải thích cho người dân không được có hành vi manh động như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, cướp tài sản hoặc làm nhục người khác .

Nhà riêng của ông Nguyễn Văn Thanh và bà Trần Thị Hà (tại thôn Trung Sơn, xã Phú Sơn) đóng cửa im ỉm, vợ chồng này cũng không còn ở địa phương kể từ ngày tin vỡ hụi bùng phát

Nhà riêng của ông Nguyễn Văn Thanh và bà Trần Thị Hà (tại thôn Trung Sơn, xã Phú Sơn) đóng cửa im ỉm, vợ chồng này cũng không còn ở địa phương kể từ ngày tin "vỡ hụi" bùng phát

Theo ông Do, vì lo sợ các con “hụi” tới đòi nợ và không còn khả năng thanh toán nên tại địa phương đã có 2 chủ “hụi” bỏ trốn. “Tôi cũng nghe nói có một số người gom tiền tham gia đường dây Liên Kết Việt, nhưng đến nay chưa nắm được người và số tiền tham gia là bao nhiêu” - ông Do nói.

Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, một cặp vợ chồng ở xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia là Nguyễn Văn Thanh và Trần Thị Hà đã trốn biệt tích sau khi vỡ hụi “dây chuyền” 21 tỉ đồng, bị gọi điện, nhắn tin đe dọa sẽ bắt và giết con nếu không trả tiền. Vụ vỡ hụi khiến cho tình hình địa phương trở nên phức tạp, nhiều người dân điêu đứng, sạt nghiệp khi các chủ “hụi” không có khả năng thanh toán.

Hiện Công an huyện Tĩnh Gia đang tiếp tục phối hợp với các địa phương nhận đơn thư của công dân và phối hợp với các cơ quan chức năng đưa ra hướng xử lý.

Hình thức chơi hụi

Chơi hụi (tên khác: họ, hội, biêu, phường, huê) gọi chung là họ, là một hình thức huy động vốn trong dân gian Việt Nam và thường do phụ nữ thực hiện. Đây là hình thức trái ngược với trả góp. Khi chơi hụi cần có một người đứng ra làm chủ (chủ hụi) và mời các thành viên khác cùng chơi (con hụi). Chủ hụi có trách nhiệm đi thu tiền (tài sản) của con hụi. Một “dây hụi” có thể không giới hạn người chơi. Các thành viên của dây hụi thống nhất góp một loại tài sản có giá trị giao dịch như: tiền, vàng, gạo... Dây hụi cũng thỏa thuận số lượng tài sản góp, số kỳ góp, thời gian góp, kỳ mở hụi...

Ví dụ: Một dây hụi 10 người, góp ngày 10.000 đồng, mở hụi cuối tháng. Như vậy, đến kỳ mở hụi thứ nhất (ngày thứ 30), bà A được “hốt hụi” thì bà nhận được số tiền là: 10.000 đồng x 10 người X 30 ngày = 3.000.000 đồng (trong đó có tiền bà góp là: 10.000 đồng x 30 ngày = 300.000 đồng), ngoài ra, nếu có thỏa thuận thì bà A phải trích ra một số tiền hoa hồng cho chủ hụi. Qua việc chơi dây hụi này, bà A mượn được nguồn vốn gấp 10 lần bà góp để dùng vào việc riêng.

Theo Tuấn Minh

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên