MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vỡ mộng trật tự thế giới mới

26-10-2017 - 08:02 AM | Tài chính quốc tế

Hiện không có triển vọng nào cho việc đưa Nga hoặc Trung Quốc vào hệ thống do Mỹ dẫn đầu trong tương lai gần.

Chính sách ngoại giao Mỹ đã đến một bước ngoặt lịch sử và điều ngạc nhiên là nó ít liên quan đến những chính sách gây tranh cãi thời Tổng thống Donald Trump.

Trong khoảng 25 năm sau chiến tranh lạnh, một trong những chủ đề nổi bật của chính sách Mỹ là nỗ lực toàn cầu hóa trật tự quốc tế được thiết lập ở phương Tây sau Thế chiến II. Thông qua những khích lệ về ngoại giao và kinh tế, Washington muốn đưa toàn bộ cường quốc thế giới vào một hệ thống mà tất cả họ đều hài lòng.

Mỹ và những giá trị của họ vẫn sẽ thống trị hệ thống này. Tuy nhiên, tham vọng trên giờ đây đi vào ngõ cụt. Thay vào đó, mục tiêu mới của chiến lược Mỹ là bảo vệ hệ thống quốc tế đang tồn tại - được đánh giá là thành công nhưng chưa hoàn thiện - khỏi sự phá hoại.

Kết luận trên khó có thể chấp nhận bởi nó giáng đòn mạnh vào tinh thần lạc quan của thời kỳ hậu chiến tranh lạnh.

Cuộc tranh đua siêu cường kết thúc cũng là lúc nền dân chủ và các thị trường tự do bùng nổ cùng với sự biến mất của những chia rẽ địa chính trị. Khi đó, ngay cả Nga và Trung Quốc - đối thủ địa chính trị lâu đời của Mỹ - cũng quan tâm đến chuyện hợp tác và hội nhập nhiều hơn vào cộng đồng quốc tế do Mỹ đứng đầu. Có vẻ như thế giới đã tiến tới một mô hình tổ chức chính trị - kinh tế đơn lẻ và một hệ thống toàn cầu duy nhất dưới sự lãnh đạo của Mỹ.


Các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Đức hồi tháng 7Ảnh: AP

Các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Đức hồi tháng 7Ảnh: AP

Một kết quả như thế trở thành mối bận tâm chính của chính sách Mỹ. Nước này tìm cách cải thiện quan hệ ngoại giao với Nga thời Tổng thống Boris Yeltsin cũng như khích lệ những cải cách dân chủ và thị trường tự do ở đó ngay cả khi Washington tăng cường đề phòng Moscow và đối phó nguy cơ bất ổn ở châu Âu bằng cách mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), kết nạp những quốc gia từng tham gia Khối Hiệp ước Warsaw.

Tương tự, Washington tập trung khuyến khích Bắc Kinh hội nhập kinh tế toàn cầu, đóng vai trò chủ động hơn trong ngoại giao khu vực và quốc tế. Chính sách hội nhập của Mỹ sẽ trao cho Bắc Kinh lợi ích trong trật tự tự do mà Mỹ dẫn đầu, do đó giới lãnh đạo Trung Quốc không còn lý do gì để thách thức trật tự này.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Bill Clinton mô tả sự tiếp cận này là "nắm bắt mong muốn tham gia nền kinh tế và các thể chế toàn cầu của 2 quốc gia, yêu cầu cả 2 nước chấp nhận những nghĩa vụ cũng như lợi ích của hội nhập."

Tuy nhiên, điều ngày càng rõ ràng trong thập kỷ qua là hướng tiếp cận trên được dựa trên 2 giả thiết không vượt qua được bài kiểm tra của thực tiễn. Giả thiết đầu tiên là Trung Quốc và Nga kiên trì hướng đến chủ nghĩa tự do về kinh tế và chính trị kiểu phương Tây. Thứ hai, Mỹ có thể thuyết phục những cường quốc định nghĩa các lợi ích của mình theo cách Washington mong muốn.

Thời kỳ hội nhập coi như đã kết thúc. Hiện không có triển vọng nào cho việc đưa Nga hoặc Trung Quốc vào hệ thống do Mỹ dẫn đầu trong tương lai gần. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Mỹ sẽ tuyên chiến với Nga và Trung Quốc hoặc tìm cách cô lập hoàn toàn cả hai cường quốc này.

Dù muốn hay không, quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng của Mỹ và kinh tế toàn cầu. Sự hợp tác Washington - Bắc Kinh và thậm chí là Washington - Moscow đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức ngoại giao quốc tế, như vấn đề phổ biến hạt nhân và biến đổi khí hậu.

Thay vào đó, thực trạng trên đồng nghĩa Mỹ cần phải trở nên cứng rắn hơn và bớt tham vọng hơn trong hướng tiếp cận đối với mối quan hệ giữa các nước lớn và hệ thống quốc tế.

Bớt tham vọng hơn có nghĩa là Mỹ cần gạt sang bên ý niệm cho rằng trật tự tự do sẽ sớm bao trùm toàn cầu hoặc mọi cường quốc. Cứng rắn hơn tức là tăng cường nỗ lực bảo vệ trật tự hiện tại khỏi thách thức từ những thế lực đòi xét lại.

Điều này đòi hỏi những bước đi khó khăn nhưng cần thiết, như đầu tư quân sự để củng cố sức mạnh Mỹ khả năng đánh chặn răn đe ở châu Âu và Tây Thái Bình Dương. Washington cần dựa vào đồng minh lâu năm cũng như các đối tác mới để đối phó với thách thức từ Nga và Trung Quốc.

Hơn hết, điều này có nghĩa là phải chấp nhận rằng mối quan hệ giữa các cường quốc đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm và căng thẳng hơn, cũng như sự sẵn sàng chấp nhận những tổn thất và rủi ro cao hơn để đối phó với thách thức và bảo vệ những lợi ích của Mỹ.

Tóm lại, mục tiêu đạt được một thế giới hoàn toàn hội nhập không còn có thể đạt được vào thời điểm này. Việc bảo vệ trật tự quốc tế đang tồn tại vốn được Mỹ xây dựng và đứng đầu trong nhiều năm qua sẽ là một thách thức không nhỏ.

Theo Cao Lực

Người Lao động

Trở lên trên