MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam

Vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn, sẵn sàng về hạ tầng để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI.

Mặc dù dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt kinh tế - xã hội nhưng thời gian qua, Việt Nam vẫn nỗ lực để đón làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Minh chứng là hàng loạt dự án "khủng" được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong 3 tháng đầu năm 2021.

Điểm sáng trong đại dịch

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-3, tổng vốn FDI đạt 10,13 tỉ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có 234 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 7,2 tỉ USD, tăng 30,6% so cùng kỳ năm 2020. Ước tính các dự án đã giải ngân được 4,1 tỉ USD, tăng 6,5%.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết dòng vốn FDI đã "chảy" vào 17 ngành, lĩnh vực. Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỉ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,9 tỉ USD, chiếm 38,9%. Việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đăng ký đầu tư thêm các dự án mới, quy mô lớn càng khẳng định Việt Nam là một điểm đến an toàn và hấp dẫn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá thu hút vốn FDI phục hồi tích cực. Lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nguồn vốn này tăng trưởng dương. "Số vốn đăng ký mới và số vốn đăng ký điều chỉnh tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn nhiều so với năm 2019, thời điểm trước dịch bệnh. Đặc biệt, có những dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao. Kết quả này có được nhờ quá trình phòng chống dịch Covid-19 thành công, qua đó cho thấy niềm tin, kỳ vọng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng nền kinh tế Việt Nam" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

TS Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng - Tổng cục Thống kê, cho rằng vốn FDI đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta. Việc doanh nghiệp FDI đầu tư mạnh vào những ngành, lĩnh vực như nói trên là tín hiệu đáng mừng. Dù vậy, ông Phạm Đình Thúy cũng bày tỏ lo lắng khi tính cạnh tranh thu hút dòng vốn này trong khu vực và trên thế giới ngày càng mạnh. Đặc biệt, thời kỳ hậu Covid-19, khả năng cạnh tranh sẽ gay gắt hơn vì sau khi kinh tế rơi vào suy thoái, nước nào cũng muốn nhanh chóng phục hồi, khi đó FDI là một trong những động lực quan trọng.

Vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam - Ảnh 1.

Việt Nam tiếp tục đón nhận các dự án FDI lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao... Ảnh: MINH PHONG

Tiếp tục đón làn sóng dịch chuyển

Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài đang và sẽ "đổ" vào Việt Nam nhờ những yếu tố như kiểm soát tốt dịch Covid-19, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào… Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Chính phủ, các bộ - ngành, địa phương cũng cần chủ động để đón dòng vốn FDI chất lượng cao.

Bàn về việc thu hút FDI trong thời gian sắp tới, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khuyến nghị chọn dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao hơn, tập trung vào "chất" thay vì "lượng". Bên cạnh đó, để tận dụng xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, Việt Nam cần có chính sách dài hạn trong phát triển công nghiệp phụ trợ. Đây là bước đi cần thiết để giảm tình trạng gia công đã kéo dài từ rất lâu trong nền sản xuất, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.

Theo ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, sự chuẩn bị về hạ tầng và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi trong thủ tục hành chính là rất quan trọng. "Ngoài 5 KCN đã đi vào hoạt động, tỉnh Bắc Giang có 3 KCN vừa được phê duyệt đầu tư, mở rộng. Chúng tôi xác định điều kiện về hạ tầng là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư" - ông Cường chia sẻ.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng địa phương nào có sự chủ động về hạ tầng, nhanh nhạy trong việc giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư, tích cực tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, thủ tục thì sẽ mời gọi được các "ông lớn". "Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Các địa phương cũng phải nỗ lực hơn nữa, pháp lý cần minh bạch, rõ ràng hơn, bảo đảm tính dài hạn nhằm tạo sự an tâm cho nhà đầu tư" - ông Doanh góp ý.

Về giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút FDI, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, lưu ý trong bối cảnh cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam cần chủ động nắm tình hình để có những cơ chế, chính sách hợp lý, qua đó đáp ứng các yêu cầu trong phạm vi cho phép của nhà đầu tư nước ngoài. Những cơ chế đó cùng với những thuận lợi sẵn có của nước ta như kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh an toàn, nhân lực dồi dào sẽ giúp các địa phương đón làn sóng dịch chuyển vốn FDI trong thời gian tới.

Hàng loạt dự án lớn

Trong quý I/2021, Việt Nam đã cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho khá nhiều dự án quy mô lớn.

Lớn nhất là dự án Nhà máy Điện LNG Long An I và II (Singapore) với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỉ USD, tại Long An. Tiếp theo là dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỉ USD, tại TP Cần Thơ. Bên cạnh đó, còn có dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) tại TP Hải Phòng, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD; dự án chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu USD...

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên