Vốn FDI rót vào Việt Nam tăng mạnh
Tính đến ngày 20/10, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đều tăng mạnh.
- 28-10-2021Co-founder Homebase: 'Giá nhà so với thu nhập trung bình của người Việt còn cao hơn cả những nơi đắt đỏ trên thế giới'
- 28-10-2021Hàng trăm tỷ USD có nguy cơ 'mắc kẹt' tại các dự án khí đốt mới
- 28-10-2021Báo Nhật nói gì khi VinFast dần bước vào thị trường phương Tây, cạnh tranh với các 'ông lớn' Tesla, Volkswagen?
Thông tin từ Bộ KH&ĐT cho biết, vốn đăng ký mới từ đầu năm đến nay đạt trên 13 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ; vốn tăng thêm đạt trên 7,09 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ.
Mức tăng ấn tượng này có được là do 10 tháng qua, 3 dự án lớn được cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh, bao gồm dự án Điện LNG Long An, 3,1 tỷ USD; LD Display Hải Phòng, tăng vốn thêm 2,15 tỷ USD; Nhiệt điện Ô Môn II, 1,31 tỷ USD, nên cả vốn đăng ký mới và tăng thêm đều tăng khá mạnh so cùng kỳ.
Hiện có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,51 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,42 tỷ USD, chiếm 14,6%. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,17 tỷ USD, chiếm 9,2%. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)...
Dù Hàn Quốc xếp thứ hai về vốn đầu tư, song lại là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn, cũng như số lượt góp vốn mua cổ phần. Như vậy, nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới, cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 12,74 tỷ USD, chiếm 53,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,54 tỷ USD, chiếm 23,3%. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,12 tỷ USD và trên 803 triệu USD.
Trên phương diện số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 33,1%, 27,8% và 16% tổng số dự án.
Liên quan đến địa bàn đầu tư, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,68 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD (chiếm tới 84,2% tổng vốn đầu tư của Long An). TPHCM đã trở lại vị trí thứ hai với trên 2,73 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký 2,72 tỷ USD, chiếm gần 11,5%.
Bên cạnh những kết quả tích cực, điều đáng lưu ý là vốn giải ngân đạt 15,15 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ. Mức giảm này đã cao hơn so với cùng thời điểm này tháng trước (giảm 3,5% so với cùng kỳ).
Mặc dù vậy, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), đại dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát; Chính phủ và các cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc, ban hành nhiều giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, cũng như các quy định, hướng dẫn thích ứng với tình hình mới của đại dịch, do vậy, các doanh nghiệp đang từng bước, dần dần khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự kiến, vốn đầu tư thực hiện sẽ cải thiện hơn trong các tháng cuối năm.
Chinhphu.vn