Vốn hoá Tập đoàn Hoà Phát giảm hơn 8.200 tỷ đồng sau thông tin tại đại hội cổ đông thường niên
Phản ứng trước thông tin sau đại hội cổ đông của Tập đoàn Hoà Phát, nhiều nhà đầu tư đã bán ra cổ phiếu HPG khiến giá cổ phiếu giảm mạnh.
- 05-05-2022Tăng trưởng mạnh, gần 40 doanh nghiệp gia nhập CLB lãi nghìn tỷ, một ngân hàng bất ngờ vượt cả Hoà Phát, VCB để đứng đầu
- 02-05-2022Hoà Phát trả cổ tức 2021 tỷ lệ 35%, năm 2022 đặt kế hoạch doanh thu 160.000 tỷ, lợi nhuận giảm
- 19-04-2022Hoà Phát dự kiến đạt 1.600 tỷ đồng doanh thu từ bất động sản trong năm 2022
Sáng ngày 24/5 hôm nay, CTCP Tập đoàn Hoà Phát (mã CK: HPG) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022.
Ngay trong cùng ngày diễn ra đại hội, cổ phiếu HPG bị nhà đầu tư bán mạnh. Áp lực bán tăng vọt gây sức ép lên cổ phiếu khiến giá cổ phiếu HPG giảm 5% về 34.900 đồng/cp trong khi thị trường diễn biến tích cực với chỉ số VN-Index tăng 14.57 điểm (1,2%). Trong rổ VN30, HPG cũng là cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất.
Đi kèm với giá giảm mạnh là thanh khoản của HPG tăng cao. Phiên giao dịch ngày 24/5, có hơn 42 triệu cổ phiếu HPG được khớp lệnh, là khối lượng giao dịch 1 cổ phiếu lớn nhất sàn HoSE, bỏ xa vị trí thứ 2 là SSI với 21,8 triệu cổ phiếu được giao dịch và lớn hơn khoảng 4 lần phiên giao dịch ngày hôm qua với 10,5 triệu cổ phiếu.
Với khối lượng cổ phiếu HPG đang niêm yết trên thị trường là hơn 4,47 tỷ cổ phiếu, như vậy trong ngày hôm nay, tổng vốn hoá thị trường của Tập đoàn Hoà Phát đã mất hơn 8.200 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản chứng khoán của ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát với tư cách là cổ đông lớn nhất của công ty với số lượng cổ phiếu HPG đang nắm giữ tính đến ngày 31/3/2022 là gần 1,17 tỷ cổ phiếu ( tương ứng 26,08% cổ phần) cũng đã giảm tới 2.157,8 tỷ đồng.
Diễn biến kém tích cực không chỉ diễn ra đối với riêng HPG mà cả dòng chứng khoán ngành thép đều giảm mạnh trong phiên hôm nay như VGS (-5,5%), NKG (-5,5%), SMC (-5%), HSG (-4,5%), TLH (-4,2%), ….
Tại đại hội, ông Trần Đình Long cho rằng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không quá khả quan vì ngành thép không thuận lợi. Theo ông Long, ngành thép xấu vì 2 nguyên nhân, thứ nhất vì chiến tranh Nga Ukraina làm nguyên liệu tăng sốc và thứ hai là chính sách Zero Covid, khi Trung Quốc chiếm 60% nhu cầu tiêu thụ thép thế giới nên ảnh hưởng đến cầu.
Nhịp sống kinh tế