Vốn rẻ chảy vào ngân hàng bất ngờ chậm lại
Ảnh minh hoạ: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tiền huy động có lãi suất gần bằng 0 này đã tăng trưởng trung bình 9-11%/quý trong 4 quý liền trước, nhưng đến quý 2/2021 thì gần như đi ngang.
- 15-09-2021Vì sao mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm sâu?
- 14-09-2021Tăng trưởng thu nhập ngân hàng sẽ phân hóa trong nửa cuối năm?
- 14-09-2021Doanh thu nhiều ngân hàng bất ngờ tăng mạnh nhờ phân phối bảo hiểm, 3 'ông lớn' ngân hàng được gọi tên
Theo số liệu mới được NHNN cập nhật, đến cuối quý 2/2021, số tài khoản tiền gửi thanh toán của cá nhân đã lên tới hơn 107 triệu tài khoản, tăng thêm hơn 3 triệu tài khoản so với cuối quý 1/2021. Số dư tiền gửi thanh toán đạt 754,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với 3 tháng trước.
Số tài khoản mở mới vẫn tăng trưởng khá nhanh trong những tháng gần đây do dịch vụ ngân hàng số ngày càng tiện lợi, cho phép người dân có thể mở tài khoản mà không cần phải tới phòng giao dịch, chi nhánh. Tuy nhiên, số dư tiền gửi thanh toán đã tăng chậm lại.
Trước đó, từ những tháng đầu năm 2020 đến đầu năm 2021, tiền gửi thanh toán của cá nhân vào hệ thống ngân hàng liên tục tăng mạnh với tốc độ khoảng 10% hàng quý. Mức tăng trưởng này có được phần nào nhờ thói quen của người dân thay đổi do tác động của dịch Covid-19, chuyển từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán điện tử. Ngoài ra, tiền gửi thanh toán tăng mạnh còn do dịch vụ ngân hàng hiện tử, ví điện tử,…ngày càng phát triển và đem lại nhiều thuận tiện, được người dân ưa chuộng.
Tuy nhiên nhìn chung trong vòng 1 năm qua, tiền gửi thanh toán cá nhân vẫn tăng trưởng mạnh trong khi tiền gửi tiết kiệm lại tăng rất chậm. Nguyên nhân là do nhiều người rút tiết kiệm để đầu tư vào bất động sản, chứng khoán,…do lãi suất tiền gửi xuống thấp kỷ lục.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi thanh toán (không kỳ hạn) của các ngân hàng gần như bằng 0 (khoảng 0,1%/năm) nên luôn cố định, không thay đổi. Bởi vậy, nguồn vốn này tăng trưởng được hoàn toàn dựa vào nhu cầu thanh toán điện tử của khách hàng và mức độ tiện lợi của các ứng dụng thanh toán điện tử. Theo đó, chi phí huy động vốn của các nhà băng đã giảm đáng kể trong thời gian qua, giúp họ cải thiện được biên lợi nhuận.
Theo số liệu của NHNN, cuối tháng 6, tiền gửi của dân cư tại hệ thống TCTD ở mức hơn 5,29 triệu tỷ đồng, tăng 2,94% so với đầu năm. Nếu trừ đi số tiền gửi thanh toán cá nhân thì phần còn lại là tiền gửi có kỳ hạn chỉ tăng trưởng 1,4%.
Tỷ lệ tiền gửi thanh toán trên tổng tiền gửi của hệ thống ngân hàng hiện đã đạt 14,2%, mức cao kỷ lục và cải thiện đáng kể so với mức 13% hồi đầu năm 2021 và 9,6% cùng kỳ năm 2020. Tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ tiền gửi thanh toán trên tổng tiền gửi (CASA) hiện đã vượt 20% và một số ngân hàng như Vietcombank, MB đạt trên 30%, Techcombank trên 45%.