Vốn tín dụng vào nông nghiệp công nghệ cao đã tăng 8,7 lần, đạt xấp xỉ 1,4 tỷ USD
Thời điểm trước khi Thủ tướng ra chỉ đạo về gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng hồi tháng 3/2017, dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao mới chỉ là 3.700 tỷ. Chỉ hơn 4 tháng, vốn tín dụng đổ vào lĩnh vực này đã nhanh chóng tăng và hiện đã xấp xỉ 32 nghìn tỷ đồng.
- 16-06-2017Nông nghiệp công nghệ cao có "quá sức" với Việt Nam?
- 09-06-2017Doanh nghiệp khó tiếp cận được gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao
- 28-04-2017NHNN quy định lãi suất cho vay nông nghiệp công nghệ cao thấp hơn từ 0,5 - 1,5%/năm
Vốn tín dụng vào nông nghiệp công nghệ cao đã hơn 1,4 tỷ USD
Dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch hiện nay đạt 32.339 tỷ đồng. Đây là số liệu được ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế công bố tại buổi Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao” tổ chức ngày 4/7/2017.
Phần lớn trong này là các khoản vay phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (27.737 tỷ đồng), còn vốn vay nông nghiệp sạch đạt 4.602 tỷ đồng. Tổng cộng đã có 4.125 khách hàng tiếp cận bao gồm 3.956 khách hàng cá nhân và 168 khách hàng doanh nghiệp.
Đạt xấp xỉ 1,4 tỷ USD trong thời điểm hiện tại nhưng theo Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng dư nợ cho vay trước khi Chính phủ ra Nghị quyết 30 trong đó đề cập đến gói 100.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao vào đầu tháng 3/2017 chỉ khoảng 3.700 tỷ đồng. Như vậy, dư nợ đã tăng 8,7 lần trong chưa đầy nửa năm.
Trước đó, đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp. Từ năm 2010, Chính phủ đã có Quyết định 176/2010 phát triển nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020. Sau đó, Nghị định 41 và Nghị định 55 được ban hành trong đó Nghị định 55/2015/NĐ-CP được đánh giá là Nghị định đột phá mở ra quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp như hạn mức vay đối với các đối tượng mà không cần tài sản đảm bảo.
Thực hiện chỉ đạo Chính phủ theo Nghị quyết 30/NQ-CP, ngày 24/4/2017, NHNN đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN về chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Không riêng nông nghiệp công nghệ cao, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đến cuối tháng 5/2017 đạt 1.148 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2016, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Dư nợ phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế. Bình quân 7 năm, tốc độ tăng trưởng dư nợ trong lĩnh vực này đạt 19,35%.
"Nhà tạm" hàng tỷ đồng chưa thể đem đi thế chấp
Quyết định 813/QĐ-NHNN mở ra nhiều hỗ trợ về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như lãi suất cho vay trung, dài hạn bằng VND thấp hơn 0,5%-1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường. Nguồn vốn cho vay sẽ do các NHTM tự cân đối vốn từ nguồn vốn huy động trên thị trường để thực hiện.
Các biện pháp khuyến khích khác cũng được thực hiện như khi khách hàng gặp khó khăn do các nguyên nhân bất khả kháng sẽ được NHTM chủ động xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 1 lần, giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước.
Khách hàng nếu thuộc đối tượng hưởng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị định 55/2015/ NĐ-CP sẽ được đồng thời hưởng cả hai chính sách như được xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo,..
Đối với các NHTM, một cơ chế ưu tiên được áp dụng. Đó là việc xem xét loại trừ các khoản cho vay trung dài hạn này khi tính tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Theo đại diện NHNN, ông Tần, đầu tư cho nông nghiệp công nghiệp cao đòi hỏi thời gian thu hồi vốn dài và được Chính phủ khuyến khích. Trong khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đang được yêu cầu tăng dần.
Tuy nhiên, vẫn còn các vướng mắc mà lớn nhất hiện nay là sử dụng tài sản trên đất như nhà lưới, hệ thống tưới tiêu, nhà kính,... làm tài sản đảm bảo trong khi các tài sản này được đầu tư trị giá hàng tỷ đồng và các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao yêu cầu vốn đầu tư lớn.
Nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tiêu vẫn chưa được sử dụng làm tài sản đảm bảo
Nguyên nhân là bởi các tài sản này hiện chỉ được đánh giá là "nhà tạm "và không được các cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận tài sản gắn liền với đất.
Sau lời kêu gọi của Thủ tướng, chỉ riêng 8 tổ chức tín dụng đã sẵn sàng nguồn vốn hơn 100.000 nghìn tỷ để phục vụ chương trình cho vay. Tuy nhiên, xét duyệt dự án nông nghiệp công nghệ cao cũng tương tự như các khoản vay thông thường khác. Để khơi thông giúp nguồn vốn được giải ngân, bản thân doanh nghiệp, hộ nông dân phải đưa được các phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Theo đại diện nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hội thảo, ở vị trí doanh nghiệp có uy tín hay có phương án kinh doanh tốt cũng khẳng định không khó để tiếp cận tín dụng của ngân hàng, thậm chí nhận được mức lãi suất ưu đãi kể cả khi chưa có Quyết định 813.
Người đồng hành