MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VPBank chốt room ngoại 15%, khối ngoại cần bán 170 triệu cổ phần

19-05-2021 - 09:42 AM | Tài chính - ngân hàng

VPBank chốt room ngoại 15%, khối ngoại cần bán 170 triệu cổ phần

Nếu tính theo giá chốt phiên 18/5, nhà đầu tư trong nước cần bỏ ra khoảng 11.400 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD để hấp thụ 170 triệu cổ phần VPB từ khối ngoại. Tuy nhiên, trong bối cảnh VPBank đang rất "khát" room ngoại, các quỹ đầu tư nước ngoài thừa khôn ngoan để kỳ vọng một mức giá cao hơn nữa.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã nhận được thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE: VPB – VPBank). Theo đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài được cho phép tại VPBank là 15%.

Trước đó, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường năm ngoái, cổ đông ngân hàng đã thông qua kế hoạch giảm room ngoại từ 23% xuống 15%.

Tính đến hết phiên giao dịch 18/5/2021, khối ngoại nắm 21,76% vốn VPBank, đồng nghĩa các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải bán ra thêm 6,76% vốn ngân hàng, tương đương 170 triệu cổ phần.

Nếu tính theo giá chốt phiên 18/5, nhà đầu tư trong nước cần bỏ ra khoảng 11.400 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD để hấp thụ 170 triệu cổ phần VPB từ khối ngoại. Tuy nhiên, trong bối cảnh VPBank đang rất "khát" room ngoại, các quỹ đầu tư nước ngoài thừa khôn ngoan để kỳ vọng một mức giá cao hơn nữa.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 vừa qua, lãnh đạo VPBank cho biết cuối năm nay sẽ tiến hành bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Theo quy định hiện hành, giới hạn sở hữu nước ngoài tối đa của một ngân hàng Việt Nam là 30%, còn của VPBank (trước khi giảm room) là 23%. Điều này giải thích tại sao nhà băng này quyết định đưa room ngoại về 15%, nhằm dư ra 15% để bán cho đối tác chiến lược.

Kể từ khi công bố thương vụ bán 49% vốn FE Credit cho Tập đoàn SMBC của Nhật ngày 28/4, VPB đã trải qua 12 phiên giao dịch với khối lượng tăng đột biến, gấp 5-6 lần trước đó, trong đó có nhiều phiên có giá trị trên 2.000 tỷ đồng, cá biệt phiên 14/5 có giá trị lên tới 2.900 tỷ đồng, chiếm tới 12% tổng thanh khoản của VNIndex.

Dù giá cổ phiếu VPB được đẩy lên liên tục, với biên độ 26% từ cuối tháng Tư, song tỷ lệ sở hữu nước ngoài mới giảm nhẹ 0,8% từ 22,56% về 21,76%. Điều này thể hiện VPBank sẽ không dễ dàng để co room ngoại về 15% như mục tiêu đề ra.

Cách đây ít hôm, nhóm nhà đầu tư liên quan đến Dragon Capital đã mua thêm 3,15 triệu cổ phiếu VPB để gia tăng tỷ lệ sở hữu từ 4,9953% lên 5,1236%, qua đó, trở thành cổ đông lớn của VPBank.

Theo danh mục đầu tư tại cuối tháng 4/2021 của Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) - quỹ đầu tư có giá trị 2 tỷ USD của Dragon Capital, VPB đã vươn lên vị trí thứ 2 với tỷ trọng 9,89%, so với vị trí thứ 5 và 7,32% vào ngày 31/3.

Theo Tả Phù

Nhà đầu tư

Trở lên trên