VPBank giảm mạnh nợ xấu bằng cách nào?
Nếu lợi nhuận tăng cao trở lại là điểm sáng trong quý III, giúp VPBank giữ vững ngôi vị ngân hàng tư nhân có doanh thu cao nhất hệ thống, thì nợ xấu là điểm tích cực trong cả giai đoạn 9 tháng đầu năm, với tỷ lệ chưa tới một nửa so với cùng kỳ.
Một năm trước, tỷ lệ nợ xấu của VPBank cao hơn so với mức trung bình toàn ngành, do chiến lược kinh doanh của ngân hàng hướng nhiều vào những phân khúc đại chúng và có độ rủi ro cao hơn. Sang năm 2019, VPBank vẫn kiên định với những phân khúc chiến lược của mình, nhưng tỷ lệ nợ xấu đã giảm đáng kể và trở thành một trong những điểm sáng về hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Theo báo cáo tài chính quý III của VPBank, tỷ lệ nợ xấu (NPL) hợp nhất (bao gồm cả công ty tài chính) theo Thông tư 02 đến ngày 30/9 của ngân hàng ở mức 3,1%, so với mức 3,21% cuối năm trước và 4,24% cuối quý III/2018.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của ngân hàng mẹ đến cuối quý III đã giảm chỉ còn 2,45%, giảm từ mức 3,68% trước đó một năm. Nếu tính dư nợ trái phiếu tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ thậm chí đã giảm đi một nửa, từ 5,73% xuống còn 2,84%.
Một trong những thay đổi đã tác động tích cực đến vấn đề nợ xấu của VPBank là cách ngân hàng tiếp cận và khai thác các phân khúc khách hàng.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, nếu như giai đoạn trước ngân hàng đi theo hướng phát triển theo "chiều rộng", nhằm gia tăng lượng khách hàng mới, thì hai năm gần đây, trọng tâm của VPBank chuyển sang "chiều sâu", với những phân khúc khách hàng chất lượng hơn. Tập trung nhiều hơn vào "farming" (chăm sóc khai thác khách hàng đã có) thay vì tập trung nhiều vào "hunting" (tìm kiếm khách hàng mới), VPBank kiểm soát được chất lượng các khoản vay tốt hơn, do đã hiểu rõ khẩu vị rủi ro của từng phân khúc khách hàng. Đơn cử như FE Credit, 60-70% hoạt động trong 9 tháng đầu năm là bán sản phẩm cho các khách hàng hiện tại. Với chi phí và rủi ro thấp hơn, kết quả là đến cuối quý III, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit giảm xấp xỉ 1% so với cùng kỳ năm trước.
Tập trung vào xử lý nợ xấu, tác động ngắn hạn là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của VPBank không cao như giai đoạn trước, nhưng xét về dài hạn, cơ chế "đòn bẩy" với lợi nhuận sẽ được kích hoạt khi dự phòng không còn là gánh nặng với ngân hàng. Số liệu tài chính 9 tháng đầu năm của VPBank cũng phần nào tái khẳng định điều này.
Dù tăng chi phí dự phòng hợp nhất gần 28% trong quý III, tương đương với giai đoạn 6 tháng đầu năm, nhưng cấu trúc chi phí - lợi nhuận của VPBank không những không bị ảnh hưởng mà còn chuyển biến theo hướng tích cực hơn khi ngân hàng kiểm soát được chi phí hoạt động (OPEX). Tỷ trọng chi phí dự phòng trên tổng doanh thu (TOI) giữ ở mức 38%, tương đồng với 9 tháng đầu năm 2018, nhưng tỷ trọng lợi nhuận trước thuế tăng từ 25% lên mức 27%, do OPEX tăng thấp hơn tốc độ tăng tăng của doanh thu
Theo ước tính của ban lãnh đạo VPBank, khi đạt mục tiêu "sạch" nợ VAMC vào cuối năm nay và tiếp tục tái cấu trúc hoạt động khai thác trong các phân khúc khách hàng chiến lược, tỷ lệ chi phí dự phòng rủi ro trên tổng doanh thu những năm tới có thể giảm về mức 30%. Trong khi đó, tỷ trọng lợi nhuận trên tổng doanh thu của VPBank có thể vượt mốc 30%, thậm chí lên gần 40%. Mục tiêu trên thể hiện rõ quyết tâm duy trì sự tăng trưởng chất lượng của VPBank trong những năm tới.