MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VPI dự báo giá xăng tăng 1,9% trong kỳ điều hành ngày mai 4/7

Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày mai 4/7, giá xăng tăng khoảng 1,9% và Liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

VPI dự báo giá xăng tăng 1,9% trong kỳ điều hành ngày mai 4/7- Ảnh 1.

VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành ngày 4/7 có thể tăng khoảng 1,9%. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia phân tích dữ liệu của VPI, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành ngày 4/7 có thể tăng khoảng 1,9%, dao động từ 417 - 429 đồng, đưa giá xăng E5 RON 92 lên mức 21.918 đồng/lít và giá xăng RON 95-III lên mức 22.886 đồng/lít.

Mô hình của VPI dự báo kỳ giá dầu diesel tăng 1,88% lên mức 20.742 đồng/lít; giá dầu hoả dự báo tăng 1,36% lên 20.627 đồng/lít, trong khi đó giá dầu mazut tăng không đáng kể, duy trì ở mức 17.228 đồng/kg. VPI dự báo Liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Chuyên gia Đoàn Tiến Quyết lưu ý, giá xăng dầu đang trong xu hướng tăng cùng với giá dầu thô thế giới, vì vậy vào ngày cuối của kỳ điều hành rất có thể giá các sản phẩm tiếp tục tăng cao hơn. Trong kỳ này, giá dầu mazut có thể sẽ không có sự biến động do giá cơ sở không có sự thay đổi so với kỳ điều chỉnh trước đó.

Trên thị trường thế giới, trong phiên ngày 2/7 (giờ Mỹ), giá dầu thế giới đã tăng khoảng 2% lên mức cao nhất trong hai tháng nhờ kỳ vọng nhu cầu gia tăng trong mùa Hè và lo ngại xung đột Trung Đông có thể làm giảm nguồn cung dầu.

Cụ thể, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 1,9%, lên 86,60 USD/thùng; giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,3%, lên 83,38 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất của giá dầu Brent kể từ ngày 30/4 phiên thứ ba liên tiếp và là mức cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 26/4.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates nhận định giá năng lượng đang khởi đầu tuần mới với mức tăng mạnh mẽ nhờ lực đẩy từ căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng trong tháng này.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) đã gia hạn hầu hết các chương trình cắt giảm sản lượng dầu đến năm 2025. Với quyết định này của OPEC và OPEC+, nguồn cung dầu thô được dự báo sẽ thiếu hụt trong quý III này do nhu cầu vận tải và sử dụng điều hòa không khí tăng cao trong mùa Hè. Nhu cầu nhiên liệu tăng đã giúp giá các chế phẩm dầu của Mỹ tăng khoảng 3% trong phiên 1/7 với giá dầu diesel kỳ hạn đóng cửa ở mức cao nhất trong 10 tuần và giá xăng kỳ hạn đóng cửa ở mức cao nhất trong 8 tuần.

Ở biển Caribe, bão Beryl, một cơn bão lớn, dự kiến sẽ đi qua Jamaica vào ngày 3/7 và đổ bộ vào Bán đảo Yucatan ở Mexico vào ngày 5/7, trước khi đi vào Vịnh Campeche, trung tâm sản xuất dầu mỏ của Mexico.

Theo Anh Nguyễn

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên