Vụ án Agribank Chương Dương bị lừa 2 tỷ đồng: Nhân vật chính "lọt lưới"
Công chứng viên chứng thực hợp đồng sai luật, khiến 3 cán bộ ngân hàng sắp phải ra trước vành móng ngựa. Nhưng bản thân công chứng viên và văn phòng công chứng thì lại vô can.
Sắp tới, TAND thành phố Hà Nội sẽ đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Agribank chi nhánh Long Biên, phòng giao dịch Chương Dương.
Các bị can bị truy tố gồm Trần Toàn Thắng (Giám đốc Công ty Hoàng Phong) và 3 cán bộ của Phòng giao dịch Agribank Chương Dương, trong đó có Trưởng phòng giao dịch Cao Cự Vinh.
Dùng Hợp đồng ủy quyền với chữ ký giả mạo để mượn tiền ngân hàng
Theo nội dung của cáo trạng và kết luận điều tra, để vay được tiền của Agribank Chương Dương, Công ty Hoàng Phong có tài sản bảo đảm là thửa đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số S286898 (do UBND huyện Thạch Thất cấp ngày 30/9/2004) của hộ gia đình ông Kiều Việt Vượng.
Hộ gia đình ông Vượng có 6 thành viên. Ông Vượng được 5 trong 6 thành viên trong gia đình đồng ý cho người khác mượn thửa đất trên để thế chấp tại ngân hàng, còn một thành viên là bà Khuất Thị Thúy Nga không đồng ý.
Mặc dù vậy, ngày 16/9/2015 ông Vượng vẫn thông qua Văn phòng công chứng Quốc Dũng và cộng sự lập Hợp đồng ủy quyền số 996.2015/HĐUQ, theo đó những người khác trong gia đình ông Vượng ủy quyền cho ông Vượng được ký hợp đồng thế chấp bảo đảm tiền vay đối với thửa đất nói trên.
Hợp đồng do công chứng viên Kiều Thị Kim Chung chứng thực. Về thể thức văn bản, Hợp đồng ủy quyền này có thể coi là hợp lệ bởi có đủ 6 chữ ký của các thành viên trong gia đình ông Vượng.
Tiếp đó, ngày 19/10/2015, ông Vượng ký Hợp đồng thế chấp tài sản là bất động sản để đảm bảo nghĩa vụ của người khác số 1720/2015/HĐTC, để đảm bảo cho khoản vay gần 2 tỷ đồng của Công ty Hoàng Phong tại Phòng giao dịch Chương Dương – Agribank chi nhánh Long Biên.
Bằng hợp đồng thế chấp này, về mặt luật pháp, ông Kiều Việt Vượng đã nhận trách nhiệm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của Công ty Hoàng Phong bằng tài sản là thửa đất của gia đình mình.
Xem xét bộ hồ sơ được coi là đầy đủ như vậy, Phòng giao dịch Chương Dương đã phê duyệt và cho Công ty Hoàng Phong vay tiền.
Theo cáo trạng: "Sau khi khoản vay quá hạn, Công ty Hoàng Phong không trả được nợ vay nên phía ngân hàng đến gia đình ông Kiều Việt Vượng để thông báo thu hồi tài sản.
Ông Vượng và gia đình không đồng ý bàn giao tài sản với lý do không được sử dụng tiền vay, Hợp đồng ủy quyền số 996.2015/HĐUQ ngày 16/9/2015 có sự giả mạo về chữ ký, chữ viết của bà Khuất Thị Thúy Nga, giả mạo chữ ký của anh Kiều Việt Hùng".
Khi tiến hành giám định chữ ký, Phòng kỹ thuật hình sự - CATP Hà Nội và Viện khoa học hình sự - Bộ Công an kết luận các chữ ký của bà Khuất Thị Thúy Nga và ông Kiều Việt Hùng trong Hợp đồng ủy quyền trên đều là giả mạo.
Như vậy, mấu chốt dẫn đến việc Agribank không thu hồi được tiền qua tài sản bảo đảm chính là 2 chữ ký giả mạo trong Hợp đồng ủy quyền đã được công chứng.
Đến đây, không thể không đặt câu hỏi: Công chứng viên và cán bộ ngân hàng Agribank, ai là người có trách nhiệm chính trong sai phạm với Hợp đồng ủy quyền nói trên?
Sai phạm chính thuộc về ai?
Theo Luật Công chứng, công chứng viên phải có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ tùy thân, nhận dạng của người ký tên, điểm chỉ vào văn bản công chứng; bản sao các giấy tờ tùy thân này được lưu tại văn phòng công chứng trong thời hạn 20 năm. Tuy nhiên công chứng viên trong vụ việc này đã không thực hiện đúng luật.
Nội dung cáo trạng chỉ rõ: Kiều Thị Kim Chung - công chứng viên văn phòng công chứng Quốc Dũng và cộng sự: Mặc dù biết không đủ thành viên ký ủy quyền, nhưng Chung vẫn ký chứng thực Hợp đồng ủy quyền.
Như vậy, việc "để lọt" 2 chữ ký giả mạo vào Hợp đồng ủy quyền, dù vô tình hay cố ý, là lỗi của công chứng viên.
Sai phạm này đã dẫn đến hệ quả là Công ty Hoàng Phong có được Hợp đồng ủy quyền hợp lệ (có đầy đủ chữ ký và được công chứng) để đưa vào bộ hồ sơ vay tiền. Hợp đồng này là cơ sở rất quan trọng khi ngân hàng thẩm định khả năng trả nợ và phê duyệt hồ sơ vay vốn của Công ty Hoàng Phong.
Trong khi đó, việc thẩm định hồ sơ vay vốn tại ngân hàng thông thường không bao gồm giám định các chữ ký trong hợp đồng ủy quyền đã được công chứng bởi một công chứng viên đủ thẩm quyền.
Về mặt kỹ thuật, giám định chữ ký thật hay giả là việc làm được thực hiện bởi cơ quan khoa học hình sự, chứ không phải bởi cán bộ phòng giao dịch ngân hàng. Có thể hiểu là, chỉ đến khi ngân hàng không xử lý được tài sản bảo đảm và cơ quan điều tra tiến hành giám định chữ ký, thì mới phát hiện ra đó là chữ ký giả mạo.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra, trong khi buộc tội nhóm bị can cán bộ ngân hàng khá nặng, lại kết luận không cần xử lý hình sự với công chứng viên, chỉ yêu cầu xử lý hành chính do "không có động cơ trục lợi".
Nếu nhìn nhận mấu chốt vụ việc nằm ở Hợp đồng ủy quyền với 2 chữ ký giả mạo, thì việc các cơ quan tố tụng bỏ qua truy cứu trách nhiệm hình sự với công chứng viên, trong khi buộc tội các cán bộ ngân hàng vừa có phần bất hợp lý, vừa có dấu hiệu lọt người lọt tội, oan sai.
Trí Thức Trẻ