Vụ án Vạn Thịnh Phát: Thêm 10 bị cáo nộp khắc phục hậu quả
Thiệt hại trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SBC) và đồng phạm khoảng 498.000 tỷ đồng. Trước khi phiên tòa xét xử diễn ra, một số bị cáo nộp thêm gần 6,2 tỷ đồng khắc phục trong vụ án.
Ngày 5/3, TAND TPHCM xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ) cùng 85 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát , Ngân hàng TMCP SCB và các đơn vị liên quan.
Trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan bị xét xử về 3 tội danh, gồm: Tham ô tài sản, Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Ngoài tư cách bị cáo, Trương Mỹ Lan còn hầu tòa với tư cách bị hại đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Capella.
Trong giai đoạn điều tra, cơ quan chức năng thu giữ gần 600 tỷ đồng và gần 15.000 USD. Trong đó thu giữ của bị cáo Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân hơn 7 tỷ đồng; thu giữ của ông Tạ Hùng Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty CP Greenhill Village; Trần Văn Hùng - nhân viên tòa nhà Sherwood (quận 3, TPHCM) 190.000 USD.
Gia đình các bị cáo Trương Mỹ Lan, Tạ Hùng Quốc Việt, Trần Văn Nghị và Trương Huệ Vân tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả vụ án gần 119 tỷ đồng và 306.000 USD. Trong giai đoạn truy tố đã thu giữ của các bị cáo số tiền 55,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trước khi phiên tòa diễn ra, người thân của 10 bị cáo đã nộp thêm gần 6,2 tỷ đồng để khắc phục cho vụ án.
Cụ thể, gia đình bị cáo Bùi Anh Dũng - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB nộp 4,5 tỷ đồng, gia đình bị cáo Phan Tấn Trung - cựu Phó Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM nộp 546 triệu đồng, Nguyễn Thanh Tùng - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Dầu khí Đông Phương nộp 500 triệu đồng.
Gia đình bị cáo Trần Thị Kim Chi - cựu nhân viên Công ty CP Natural Land, Lưu Chấn Nguyên - cựu Giám đốc phòng Giao dịch Bảy Hiền SCB nộp 30 triệu đồng mỗi bị cáo. Phạm Mạnh Cường - cựu Giám đốc phòng Tái thẩm định SCB và Cao Việt Dũng - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tường Việt cùng nộp 200 triệu đồng/người, Bùi Nhân - cựu Phó tổng giám đốc SCB nộp 70 triệu đồng, Bùi Đức Khoa - cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Natural Land và Trần Hoàng Giang - cựu Phó giám đốc khối phê duyệt tín dụng SCB, mỗi người nộp 50 triệu đồng.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn, sau đó làm khống hồ sơ rút tiền phục vụ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Dù không nắm chức vụ tại SCB, song với việc nắm giữ 91,5% cổ phần, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chi phối, lũng đoạn chỉ đạo toàn bộ hoạt động ngân hàng. Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1,06 triệu tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.
Đến năm tháng 10/2022 - khi vụ án được khởi tố, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Sau khi cấn trừ tài sản đảm bảo bà còn chiếm đoạt của SBC 304.000 tỷ và tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi của bà Lan còn gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỷ đồng giai đoạn năm 2017 về trước.
Để giải quyết, khắc phục hậu quả vụ án, Bộ Công an đã kê biên số lượng tài sản đặc biệt lớn liên quan đến hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm khác.
Trong đó, về tiền mặt, trong giai đoạn điều tra đã thu giữ 590 tỷ đồng và 15 triệu USD. Đây là số tiền thu giữ của bà Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân (cháu của bà Trương Mỹ Lan), tiền liên quan đến các giao dịch chuyển nhượng một số dự án bất động sản, tiền bà Lan giao cho người khác giữ và tiền gia đình các bị can nộp khắc phục hậu quả.
Đến giai đoạn truy tố, cơ quan điều tra tiếp tục thu giữ của các bị can 55 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn phong tỏa của bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm 42 tài khoản mở tại các ngân hàng với tổng số tiền gần 1.900 tỷ đồng và 8,5 triệu USD.
Về bất động sản, có 1.266 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận công trình xây dựng ; 1.784 bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng, 147 thỏa thuận bồi thường các thửa đất và các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc dự án Bắc Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TPHCM).
Cơ quan điều tra cũng đã kê biên 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bị can Trương Mỹ Lan; kê biên 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của 7 bị can khác; kê biên 8 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh tại tỉnh Quảng Ninh liên quan đến thỏa thuận hợp tác của bà Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu, Quảng Ninh.
Bộ Công an cũng ngăn chặn giao dịch của Công ty CP Sài Gòn Kim Cương đối với 9 tài khoản tại SCB với tổng số tiền là 790 tỷ đồng. Về cổ phần tại SCB và các công ty liên quan, cơ quan điều tra đã kê biên 858 triệu cổ phần SCB của bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân đứng tên hộ bà Lan.
Bộ Công an cũng kê biên 138 triệu cổ phần của 5 doanh nghiệp, gồm: Công ty CP Vận tải Hàng không Miền Nam, Công ty CP Đầu tư Satsco Miền Bắc, Công ty CP Đầu tư Hàng không Satsco - Phú Quốc, Công ty CP Địa ốc Đông Á, Công ty CP T&H Hạ Long; ngăn chặn 14.000 cổ phần Công ty CP Tư vấn Dịch vụ về Tài sản Bất động sản DATC.
Ngoài ra, 22 tài sản khác cũng bị kê biên là phương tiện gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân do các công ty đứng tên.
Tiền phong