Vụ AVG trở thành dẫn chứng trong giám sát doanh nghiệp Nhà nước
“Sai phạm trong thẩm định dự án đầu tư, bỏ qua cảnh báo rủi ro” được chuyên gia đề cập, với dẫn chứng cụ thể từ vụ AVG.
- 18-12-2018MobiFone chính thức chấm dứt dự án mua 95% cổ phần AVG
- 11-12-2018Sau thương vụ AVG: 'Sức khoẻ' Mobifone ra sao?
- 15-11-2018Phó tổng giám đốc Mobifone ký khống nhiều giấy tờ vụ mua 95% AVG
Ngày 17/4, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Ủy ban Triển khai và Phát triển Cuba (PCID) tổ chức tọa đàm “Vai trò của cải cách doanh nghiệp Nhà nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Tọa đàm này nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa hai đầu mối chuyên trách của hai nước, với các nội dung bao trùm quá trình hình thành, cổ phần hóa và đổi mới khối doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam.
Trong tham luận tại tọa đàm, chuyên gia Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tập trung vấn đề đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại khối doanh nghiệp này.
Một trong những hạn chế mà chuyên gia này đặt ra là việc thực hiện giám sát của cơ quan chủ sở hữu tại doanh nghiệp Nhà nước hiện nay. Cơ chế báo cáo mang tính định kỳ (6 tháng, 1 năm) khiến mức độ tương tác thường xuyên và kịp thời còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu “thường xuyên, liên tục” của hoạt động giám sát.
Cơ quan chủ sở hữu nói chung cũng được đánh giá là không đủ công cụ (nhân lực và thông tin) theo dõi trực tiếp nên không kịp thời nắm bắt được tình hình thực tế của doanh nghiệp giữa các kỳ báo cáo, đặc biệt là tình hình triển khai thực hiện kế hoạch, các dự án đầu tư và các quyết định mà cơ qua chủ sở hữu đã phê duyệt.
Cũng theo chuyên gia Phan Đức Hiếu, cơ quan chủ sở hữu còn hạn chế về khả năng nhận biết, cảnh báo các dự án kém hiệu quả.
Một trong những nội dung mà chuyên gia CIEM đặt ra trong tham luận là thực tế có “sai phạm trong thẩm định dự án đầu tư, bỏ qua cảnh báo rủi ro” có trong giám sát hoạt động doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua.
Và cụ thể, những vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone , trong việc mua cổ phần Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu ( AVG ) mà các cơ quan chức năng đang xử lý, được ông Phan Đức Hiếu dẫn chứng như một trường hợp điển hình.
Chuyên gia này dẫn giải: “Theo Thanh tra Chính phủ, ngay từ giai đoạn thẩm định đã có một số cảnh báo rủi ro về tính khả thi, sự thiếu căn cứ về mức giá Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, tuy nhiên tổ thẩm định của Bộ Thông tin - Truyền thông đều phớt lờ”.
Bên cạnh giám sát, chuyên gia của CIEM cũng nhìn sang một thực trạng trong đánh giá hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.
Theo đó, các thức đánh giá của cơ quan chủ sở hữu được thực hiện vào đầu kỳ, với việc phê duyệt các chỉ tiêu kế hoạch do doanh nghiệp xây dựng và trình lên; cuối kỳ, đánh giá, xếp loại dựa trên cơ sở báo cáo tự đánh giá và xếp loại của doanh nghiệp (có so sánh giữa kết quả và kế hoạch).
“Đó không phải cách thức đánh giá của một nhà đầu tư”, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho rằng, hiện chưa có cơ chế để các tổ chức chuyên nghiệp tham gia đánh giá, xếp loại doanh nghiệp, mà điều này ảnh hưởng đến tính khách quan, chính xác của kết quả đánh giá, xếp loại.
Với những thực trạng trên, Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu đưa ra bốn kiến nghị đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp Nhà nước.
Một là, xây dựng “big data”, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để vận hành chức năng đại diện chủ sở hữu.
Hai là, áp dụng cách thức và công cụ giám sát theo thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp nhà nước.
Ba là, tập trung quyền sở hữu gắn với tập trung trách nhiệm.
Bốn là, làm rõ cơ chế giám sát ủy ban/cơ quan chủ sở hữu.
Cùng với tham luận trên, cuộc tọa đàm do SCIC tổ chức với PCID còn đề cập đến nhiều vấn đề, cũng như có nhiều đề xuất trong hướng thúc đẩy cổ phần hóa, tạo hấp dẫn trong thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước…
BizLIVE sẽ tiếp tục đề cập cụ thể các nội dung tại cuộc tọa đàm này.
BizLive