MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ bán chui cổ phiếu hé mở một 'group' kín tiếng

Theo tìm hiểu, nhóm cổ đông liên hệ với TSI hiện đang nắm một hệ sinh thái lớn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, thanh toán điện tử….

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 19/5 đã công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Giải pháp Đầu tư Thái Sơn (viết tắt TSI)) với số tiền hơn 870 triệu đồng. Ngoài phạt hành chính, TSI còn phải chịu hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán ba tháng, tính từ ngày 19/5.

Cụ thể, TSI đã bán ra 1,5 triệu cổ phiếu EIN của CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Điện lực ngày 19/10/2022 và mua vào hơn 1,4 triệu cổ phiếu sau đó ba ngày nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.

TSI là công ty liên quan đến ông Nguyễn Duy Tân – Thành viên HĐQT EIN. Tuy nhiên, tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy mối liên hệ giữa TSI và EIN còn sâu sắc hơn thế.

Dữ liệu cho thấy, TSI được thành lập vào tháng 3/2011 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH MTV Tổng công ty Thái Sơn – hay còn gọi là Thái Sơn Group (51%), Công ty TNHH Đầu tư nông nghiệp Thuận Phát (44%) và bà Nguyễn Thị Phương (5%). Thái Sơn Group sau đó đã thoái hết vốn khỏi TSI vào tháng 3/2018.

Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Phương – thể nhân góp 5% vốn tại TSI, cũng đồng thời là cổ đông lớn nhất nắm đến 60% vốn Công ty TNHH Đầu tư nông nghiệp Thuận Phát – pháp nhân sáng lập nắm 44% vốn TSI.

Theo tìm hiểu, bà Nguyễn Thị Phương cùng ông Lã Quang Vinh (chồng), ông Lã Quang Bình (con trai), và nhiều cá nhân có liên hệ nắm trong tay một hệ sinh thái hoạt động ở lĩnh vực thanh toán điện tử, bất động sản….

Chân dung một group kín tiếng

Ngoài Thuận Phát và TSI, bà Nguyễn Thị Phương còn cùng chồng nắm 15% vốn CTCP Giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông (ECPay). Trong khi, con trai bà Phương – ông Lã Quang Bình (SN 1979) sắm vai trò Chủ tịch HĐQT.

ECPay được thành lập theo Nghị quyết 292/NQ-HĐQT của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) ngày 07/05/2010 với nhiệm vụ ban đầu là xây dựng và quản lý cổng thanh toán tiền điện tập trung của EVN. Sau đó, đơn vị này phát triển Ví điện tử eDong, mở rộng không chỉ thanh toán tiền cước tiền điện của EVN, mà còn là thanh toán cước viễn thông của các nhà khai thác mạng di động tại Việt Nam như Viettel, MobiFone, VinaPhone....

Không chỉ ECPay, ông Bình còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel). Pháp nhân này thành lập vào tháng 11/2021 với vốn điều lệ ban đầu 160 tỷ đồng và nâng lên mức 1.250 tỷ đồng vào tháng 6/2022. Hiện tại, Tổng giám đốc, kiêm Người đại diện theo pháp luật công ty là ông Trần Ngọc Thắng (SN 1983) – người nhà với vợ chồng bà Phương – ông Vinh.

Marina Hotel là chủ đầu tư dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia - Swisstouches Laluna Resort - Khu A, sau đổi tên thành Swisstouches Laluna Resort, được xây dựng trên diện tích 1,1 ha tại số 72 đường Nguyễn Cơ Thạch, khu đô thị Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.421 tỷ đồng, trong đó, VietinBank tham gia tài trợ 750 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vào ngày 4/8/2022 VietinBank chi nhánh Thành An thông báo bán khoản nợ có tài sản đảm bảo của Marina Hotel để xử lý thu hồi nợ vay. Tổng số dư tín dụng của doanh nghiệp này đến hết ngày 26/7/2022 là 540,18 tỷ đồng. Khoản nợ này được đảm bảo bởi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại chính khu đất có diện tích 5.965,5 m2 hình thành nên dự án Trung tâm bến du thuyền Hoàng Gia - Khu A.

Không những thế, ông Bình cũng là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Laluna. Thành lập vào tháng 8/2021, Tập đoàn Laluna  hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với quy mô vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Phương (SN 1955) – thân mẫu của ông Lã Quang Bình – góp 1.485 tỷ đồng, tương đương 99% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại của Lanula Group được chia đều cho các ông Trần Ngọc Thắng và Phùng Hoài Ngọc (Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc EIN).

Bên cạnh đó, ông còn là Người đại diện theo pháp luật CTCP Đầu tư La Luna Nha Trang. Theo tìm hiểu, Thuận Phát cũng là cổ đông sáng lập góp 42,86% vốn tại doanh nghiệp này. Tuy vậy, La Luna Nha Trang đã tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn vào cuối năm 2022.

Đáng chú ý, tại CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Điện lực (EIN), ông Bình từng là Chủ tịch HĐQT giai đoạn tháng 4/2015 – tháng 3/2023. Người kế nhiệm ông ở vị trí này sau đó là ông Hoàng Huy Hùng – một cá nhân cùng nhóm.

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, hệ sinh thái nhóm này còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác.

Đơn cử, các ông Phùng Hoài Ngọc, Trần Ngọc Thắng, Hoàng Huy Hùng tính tại thời điểm tháng 4/2023 nắm vốn ở Công Ty TNHH Đầu Tư Công Nghệ Thương Mại Dịch Vụ Hòa Bình (hoạt động kinh doanh bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc internet), với tỷ lệ 38:38:24.

Ngoài ra, ông Huy Hùng còn đứng tên tại CTCP Dịch vụ ECLife. Theo giới thiệu, lĩnh vực trọng tâm của ECLife là thương mại (bán buôn, bán lẻ), tập trung khai thác và đẩy mạnh nghành hàng Mỹ phẩm nhập khẩu trực tiếp Hàn Quốc các dòng phân khúc từ bình dân tới cao cấp, với mục tiêu trở thành đơn vị phân phối Mỹ phẩm hàng đầu tại Việt Nam giai đoạn 2022-2025.

Về phần mình, ông Nguyễn Duy Tân – thành viên HĐQT EIN (đề cập đầu bài viết) còn là Người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ PTN. Tính đến tháng 4/2021, TSI cũng là cổ đông nắm 35% vốn PTN. Theo tìm hiểu, cũng trong khoảng thời gian này, EIN và PTN đã thế chấp tại 1 nhà băng dự án Tái đầu tư công viên nước Cần Thơ tại Khu B3 thuộc Cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

EIN được thành lập vào tháng 4/2007 bởi Công ty điện lực 2 và CBCNV Công ty điện lực 2. Đến giữa năm 2015, công ty này tiến hành tái cấu trúc, đây cũng là thời điểm nhóm ông Lã Quang Bình "vào" ECInvest.

Tính đến cuối quý 1/2023, EIN có vốn điều lệ 454 tỷ đồng, ngoài TSI nắm 20,29% thì còn có CTCP Công nghệ và Thiết bị điện Hà Nội (EHN) sở hữu 33,03%. EHN cũng là một doanh nghiệp có nhiều liên hệ khi vị trí Chủ tịch HĐQT hiện do ông Phùng Hoài Ngọc đảm nhiệm.

Ở chi tiết đáng chú ý, từ năm 2016 đến nay, nhóm các doanh nghiệp gồm TSI-Thuận Phát-ECPay-Marina Hotel-TMDV Hòa Bình thường phát sinh các giao dịch tài chính với EIN.

Điển hình như tại ngày 31/3/2023, EIN ghi nhận khoản 47 tỷ đồng hợp tác với TSI; 430 tỷ đồng phải trả, phải nộp với Công ty Thuận Phát; 10,6 tỷ đồng với Marina Hotel và phải trả 42 tỷ đồng với TMDV Hòa Bình.

ECInvest cũng phát sinh khoản phải thu với nhiều pháp nhân liên hệ nhóm kể trên, như: phải thu 77,5 tỷ đồng với ECPay; phải thu dài hạn 45,1 tỷ đồng với Thuận Phát; hay phải thu 5,5 tỷ đồng với cổ đông lớn Thiết bị điện Hà Nội. Đặc biệt, ECInvest còn dùng tới 796 tỷ đồng để đầu tư tài chính vào ECPay.


Theo Khánh An

Nhà đầu tư

Trở lên trên