MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ cấp khống 800 giấy lưu hành: Viện Kiểm sát vào cuộc

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu kiểm tra lại vụ việc liên quan tới việc cấp khống hơn 800 giấy lưu hành thuỷ sản tại Tổng cục Thuỷ sản...

Liên quan tới vụ việc cấp khống hơn 800 giấy chứng nhận kiểm định sản phẩm thức ăn nuôi trồng thủy sản cho 70 doanh nghiệp để thu lợi bất chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và Vụ 3 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phụ trách và gửi báo cáo về Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để theo dõi.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao dẫn thông tin báo chí cho biết, Tổng cục Thủy sản đã xử lý kỷ luật hành chính 8 cán bộ, viên chức của Trung tâm 3K, cách chức và khai trừ đảng đối với ông Bùi Đức Quý, nguyên Giám đốc Trung tâm.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều luật sư thì vụ việc là nghiêm trọng, có dấu hiệu cấu thành tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 267 Bộ Luật hình sự và cần được khởi tố điều tra mới thỏa đáng.

Trước đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh, có hình thức xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Phó thủ tướng yêu cầu Tổng cục Thủy sản phải công bố công khai các sản phẩm không bảo đảm chất lượng và có biện pháp xử lý kiên quyết không để lưu hành các sản phẩm sai quy định, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2016.

Theo xác nhận của Tổng cục Thủy sản, hiện cơ quan này đã bước đầu xử lý cán bộ liên quan đến sai phạm nói trên. Trong đó, đã khai trừ Đảng, cách chức đối với ông Bùi Đức Quý, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản.

Cùng với đó, cơ quan này cũng quyết định khai trừ Đảng, buộc thôi việc đối với ông Lê Tuấn Anh, Phó phòng Hành chính quản trị của Tổng cục. Có 5 viên chức của Trung tâm bị buộc thôi việc, 1 viên chức bị kỷ luật ở mức cảnh cáo.

Tổng cục có văn bản thu hồi toàn bộ những văn bản bị ghép, đưa thêm sản phẩm trái quy định và ban hành hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, xử lý với sản phẩm đưa vào phụ lục không đúng quy định.

Đồng thời, ban hành 4 quyết định thu hồi tiền nộp ngân sách nhà nước với số tiền là 1,176 tỷ đồng. Đến nay, các cá nhân bị thu hồi tiền đã thực hiện nộp tiền.

Theo kết quả xác minh đơn tố cáo, các đối tượng trên đã cấp phép cho lưu hành 140 sản phẩm là thức ăn chăn nuôi và 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường thủy sản vào lưu hành trái quy định của pháp luật của 72 doanh nghiệp.

Chi phí cho việc cấp khống giấy lưu hành này là 5 triệu đồng/sản phẩm, tương đương hàng trăm triệu đồng tiền “cám ơn” của các doanh nghiệp.

Hiện Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã ra quyết định thanh tra toàn diện vụ việc này.

Theo Lâm An

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên