MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ chuỗi nuôi cá tra ở An Giang đổ vỡ: Phải kiện ra tòa!

21-07-2018 - 15:27 PM | Thị trường

Sở Công Thương tỉnh An Giang tổ chức đối thoại giữa ngân hàng, doanhnghiệp và các hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết nuôi cá tra nhưng không đi đến sự thống nhất.

Chuỗi liên kết được tỉnh An Giang thực hiện thí điểm từ năm 2014, Công ty Thuận An được chọn hợp tác với 12 hộ nuôi cá tra lâu năm. Chuỗi được thực hiện theo nguyên tắc 3 bên là Công ty Thuận An, người nuôi và Ngân hàng (NH) Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh An Giang. Theo hợp đồng, nông dân được vay vốn từ Agribank Chi nhánh An Giang nhưng không được nhận tiền mặt mà chỉ nhận thức ăn nuôi cá; khi cá đến thời điểm thu hoạch thì bán cho Công ty Thuận An; sau khi Công ty Thuận An trừ số tiền mua thức ăn (được NH cho vay trước đó), phần dư ra sẽ trả cho người nuôi. Sau 2 năm hiệu quả, khoảng tháng 11-2016, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Thuận An, đột ngột đi công tác nước ngoài rồi "biến mất" cùng số tiền hơn 80 tỉ đồng bán cá của các hộ dân tham gia chuỗi liên kết. Không những mất tiền, những nông dân này còn bị Agribank Chi nhánh An Giang yêu cầu trả nợ 80 tỉ đồng. Ngoài số tiền này, Công ty Thuận An còn nợ Agribank Chi nhánh An Giang khoảng 449 tỉ đồng.

Vụ chuỗi nuôi cá tra ở An Giang đổ vỡ: Phải kiện ra tòa! - Ảnh 1.

Một trong những nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu của Công ty Thuận An tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, cho biết tỉnh này đã lập tổ xử lý khoản cho vay thí điểm chuỗi liên kết cá tra (gọi tắt là tổ xử lý) để tháo gỡ khó khăn. Tại buổi đối thoại mới đây, lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định các hộ dân trong chuỗi liên kết đã tuân thủ đúng hợp đồng và không có lỗi. Do đó, tổ xử lý có văn bản trình UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NH Nhà nước có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho họ. Tuy nhiên, phía NH không thống nhất với đề xuất này và cho rằng cách tốt nhất hiện giờ là nông dân kiện doanh nghiệp (DN) ra tòa để giải quyết.

Cảm thấy "rất tiếc" trước việc UBND tỉnh này trình phương án xử lý nợ với NH Nhà nước nhưng không nhận được sự đồng thuận, ông Châu Văn Ly, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang, cho rằng cần xem lại phương án mà tổ xử lý đưa ra cũng như kiên trì kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp xấu nhất, nông dân căn cứ vào các điều khoản trong hợp đồng để kiện Agribank Chi nhánh An Giang ra tòa. Cùng quan điểm này, ông Trần Văn Cường, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang, khẳng định trong dự án này, nông dân thực hiện đúng quy trình từ việc giao cá đến các quy định hợp đồng nguyên tắc nên không có lỗi. "Tôi đề nghị thực hiện theo điều 4 của hợp đồng để khởi kiện NH ra tòa án xử lý. Ngay cả điều 5.1 tại phụ lục cũng ghi rất rõ trách nhiệm trong chuỗi và nếu như đưa ra TAND thì nợ của nông dân được chuyển sang nợ của Công ty Thuận An" - ông Cường nêu quan điểm.

Chuỗi liên kết khó tồn tại

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA), cho rằng chuỗi liên kết nuôi cá tra rất khó tồn tại vì DN chiếm dụng vốn của người nuôi rồi bỏ đi biền biệt không về. Cũng theo ông Bình, thực tế hiện nay có một số DN sử dụng nguồn vốn vay không đúng mục đích, đầu tư ngoài ngành hoặc khi thấy cá được giá thì nhảy vào đầu tư vùng nuôi thay cho nông dân để kiếm thêm lợi nhuận. Cách làm này rất nguy hiểm vì lấy vốn vay ngắn hạn để đầu tư trung và dài hạn.

Xin ý kiến khởi tố một "đại gia" cá tra

Ngày 17-7, Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, cho biết đang xin ý kiến Bộ Công an về việc có nên ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Lưu Bách Thảo, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt An (Anvifish), vì ôm số nợ hàng trăm tỉ đồng của nông dân nuôi cá tra và hơn 1.000 tỉ đồng của các NH bỏ trốn ra nước ngoài từ nhiều năm nay. Trong vụ này, ngành chức năng chỉ mới khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về cho vay" đối với Chi nhánh NH Ngoại thương tại An Giang và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với lãnh đạo Anvifish. Lý do là chưa có kết quả giám định tài chính.


Theo Thốt Nốt

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên