MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ điện thoại làm hỏng chip CCCD: Vivo kiểm tra cả nhà máy ở Trung Quốc, cuối cùng tìm ra nguyên nhân gì?

12-07-2024 - 20:07 PM | Kinh tế số

Vụ điện thoại làm hỏng chip CCCD: Vivo kiểm tra cả nhà máy ở Trung Quốc, cuối cùng tìm ra nguyên nhân gì?

Được biết nguyên nhân khiến điện thoại Vivo không thể quét, nhận dạng thẻ căn cước công dân (CCCD) tại Việt Nam là do phần mềm điều khiển chip NFC không phù hợp.

Người dùng tố điện thoại Vivo làm hỏng chip căn cước công dân

Cách đây ít ngày, trên một diễn đàn mạng xã hội dành cho cộng đồng những người dùng Vivo Việt Nam có tới hơn 33 nghìn thành viên ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh CCCD bị lỗi chip sau khi quét NFC trên smartphone của hãng điện thoại này.

Theo đó, sự cố chủ yếu ghi nhận trên các dòng điện thoại cao cấp của Vivo dạng xách tay như X100 Pro, X100 Ultra, X100S Pro. Thậm chí, lỗi này còn xảy ra cả với X80 Pro - mẫu điện thoại bán chính hãng ở Việt Nam.

Vụ điện thoại làm hỏng chip CCCD: Vivo kiểm tra cả nhà máy ở Trung Quốc, cuối cùng tìm ra nguyên nhân gì?- Ảnh 1.

Vụ điện thoại làm hỏng chip CCCD: Vivo kiểm tra cả nhà máy ở Trung Quốc, cuối cùng tìm ra nguyên nhân gì?- Ảnh 2.

Ảnh chụp màn hình

Vivo nói gì?

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, đại diện Vivo Việt Nam cho biết đã ghi nhận tình trạng một số người bị lỗi chip CCCD khi quét xác thực ứng dụng ngân hàng trên điện thoại của hãng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Vivo Việt Nam cho biết, Vivo đã phối hợp với các bộ phận liên quan và nhà máy để điều tra, xác minh thông tin.

Ngày 12/7, hãng thông tin bộ phận chăm sóc khách hàng của hãng hiện đang liên hệ đến người dùng đang gặp sự cố trên để tiến hành khắc phục lỗi.

"Thông qua sự việc này, Vivo thành thật xin lỗi và lấy làm tiếc khi đã gây ra những sự cố đáng tiếc về phía người dùng. Hãng sẵn sàng hỗ trợ người dùng 24/7"- đại diện này nói.

Nguyên nhân và cách khắc phục thế nào?

Vivo cho biết nguyên nhân khiến điện thoại Vivo không thể quét, nhận dạng thẻ CCCD tại Việt Nam là do phần mềm điều khiển chip NFC không phù hợp.

Với trường hợp thẻ CCCD bị trục trặc sau khi dùng điện thoại Vivo quét xác thực, công ty cho biết chưa khẳng định được nguyên nhân nhưng lỗi cũng đã được khắc phục sau khi nâng cấp phần mềm.

"Ngay khi nhận thông tin về sự việc, đội ngũ Vivo tại Việt Nam đã tìm hiểu nguyên nhân, kiểm tra cùng phía nhà máy tại Trung Quốc. Kết quả khảo sát tại các thị trường khác cũng cho thấy chỉ người dùng tại Việt Nam gặp lỗi liên quan đến chip NFC khi quét xác thực với CCCD. Phần lớn máy gặp tình trạng này là máy nội địa Trung Quốc", đại diện Vivo nói với Vnexpress.

Vấn đề này có thể khắc phục bằng phần mềm và Vivo đang tiến hành cập nhật cho tất cả máy có thể bị ảnh hưởng, gồm cả điện thoại bán chính hãng và không chính hãng tại Việt Nam.

Vị đại diện này cho biết thêm trên báo Người lao động: "Chúng tôi đang dần dần phát hành phiên bản phần mềm mới từ đêm 9/7 cho các dòng điện thoại Vivo đang gặp sự cố trên, bao gồm cả phiên bản xách tay và chính hãng tại Việt Nam".

NFC là viết tắt của Near Field Communication, hay kết nối trường gần. Nói một cách đơn giản, nó là một tiêu chuẩn giao tiếp không dây dựa trên khoảng cách gần

Không giống như Wi-Fi hoặc Bluetooth, tương tác NFC bị giới hạn ở phạm vi cực ngắn. Cụ thể, NFC có phạm vi chỉ vài cm, hay thậm chí phải đặt sát và tiếp xúc trực tiếp. Ở trường hợp điện thoại và CCCD gắn chip, đầu đọc sẽ nằm trên điện thoại (nhiều mẫu điện thoại không có đầu đọc này), còn chip NFC được tích hợp bên trong thẻ CCCD gắn chíp.

Trên Vnexpress, chuyên gia Lê Công Minh Khôi nhận định, smartphone không làm thay đổi dữ liệu trên CCCD. Tuy nhiên, nếu thời gian tiếp xúc gần quá dài bộ phát NFC trong điện thoại quá mạnh cũng có thể làm hỏng chip, tương tự trường hợp người dùng để điện thoại ở cùng thẻ khách sạn, thẻ thang máy chứa NFC.

Nếu gặp những trường hợp này, những người sử dụng điện thoại Vivo vừa nêu trên không nên tự ý thao tác mà nên trực tiếp đến chi nhánh ngân hàng hoặc liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của hãng Vivo để được hỗ trợ.

Bích Câu

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên