Vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sạch Sông Đà: Xin lỗi, rồi sao nữa?
Lời xin lỗi của Cty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) gửi đến sau 15 ngày xảy ra sự cố được cho là quá muộn màng. Đồng thời, công ty chưa có biện pháp cụ thể để hạn chế những tình huống xấu tiếp tục đe dọa an ninh nguồn nước.
- 25-10-2019Xin lỗi, cấp miễn phí một tháng: Nước sạch sông Đà hết trách nhiệm?
- 25-10-2019Sau nửa tháng im lặng, Cty nước sạch sông Đà lần đầu xin lỗi người dân
- 24-10-2019Bất thường số lượng dầu thải thu gom trong vụ ô nhiễm nước sạch sông Đà
- 22-10-2019Hà Nội: Nguồn nước sạch sông Đà đã an toàn, người dân có thể sử dụng ăn uống
Liên quan đến sự cố tràn dầu thải vào nguồn nước sản xuất của Nhà máy nước sông Đà, Cty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) vừa cho biết, đã hoàn tất khắc phục sự cố để đủ điều kiện cung cấp nước sạch trở lại cho khách hàng.
“Cty nước sạch sông Đà chúng tôi mong muốn thông qua các cơ quan thông tin báo chí gửi đến người dân, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố, lời xin lỗi và cầu mong được lượng thứ”, văn bản của Viwasupco nêu. Phía doanh nghiệp này cũng cho biết, “xin được cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố (tương đương một tháng tiền nước)”.
Trước thông báo của Viwasupco, nhiều người dân cho rằng thái độ khắc phục của Cty này là quá chậm trễ và chưa thỏa đáng.
Ông Hoàng Xuân Thuyên, Ban Đại diện tòa nhà Sun Square (21 Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, 2 hôm nay Ban Đại diện đã phối hợp với Ban Quản lý tòa nhà để thau dọn bể ngầm, bể trên cao của 2 tòa nhà. Bể cuối cùng hoàn tất thau dọn là 4 giờ sáng 24/10, ông Thuyên nói.
Đại diện Ban Quản lý tòa nhà Sun Square cho biết, đơn vị đã huy động cán bộ kỹ thuật làm tăng ca 2 ngày nay để thau bể. “Cty CP Viwaco (đơn vị mua nước từ Viwasupco rồi bán lại cho dân - PV) có đến nơi để đo khối lượng nước phải xả ra để có phương án hỗ trợ. Tuy nhiên, việc làm tăng ca thì ban quản lý phải tự chịu. Chúng tôi đề nghị Viwaco có thêm hỗ trợ cho việc này”, đại diện Ban quản lý tòa nhà nói.
Ban quản trị tòa nhà The Light (Khu đô thị mới Trung Văn, quận Hà Đông) cho biết, vừa phối hợp cùng đơn vị quản lý, cư dân thau rửa bể ngầm. Đại diện Ban quản trị tòa nhà này cho rằng, ngoài việc hỗ trợ lượng nước thất thoát, đơn vị cấp nước phải bồi thường thiệt hại cho người dân do không đảm bảo đúng quy định của hợp đồng.
Bà Trang, trú tại nhà 17T2 KĐT mới Trung Hòa - Nhân Chính (Thanh Xuân - Hà Nội) cho biết thêm, từ khi thành phố có thông báo nước an toàn, gia đình vẫn theo thói quen sinh hoạt mới là mua nước bình để ăn uống. “Khi nào có văn bản xét nghiệm độc lập nước từ riêng chung cư thì tôi mới yên tâm”, bà Trang nói. Ngoài ra, nhiều cư dân ở KĐT Trung Hòa - Nhân Chính bức xúc, miễn phí 1 tháng tiền nước có đổi lại sức khỏe của người dân, và tiền mua nước đóng chai, thay lọc nước của hàng nghìn người dân ai sẽ chịu?!
Ghi nhận tại KĐT Trung Hòa - Nhân Chính, nhiều người dân vẫn tiếp tục sử dụng nước đóng chai vì chưa tin tưởng vào nguồn nước sông Đà.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Tổ dân phố số 3 Khu Trung Hòa - Nhân Chính cho biết, theo quan sát chỉ thấy công nhân xuống dưới bể rồi bơm ra, không thấy kỳ cọ lau rửa bể. Như vậy thì người dân chưa thể yên tâm được.
Theo một số người dân nhà tái định cư 3A Trung Hòa - Nhân Chính, họ vẫn hạn chế sử dụng nước máy trong nấu nướng. Bởi hút nước ra phải lau chùi, tẩy uế, chứ nếu chỉ bơm vào bơm ra thì không thể sạch dầu bẩn.
Được biết, mỗi tháng khu Trung Hòa - Nhân Chính gồm 18 tòa chung cư và 1.000 nhà liền kề tiêu thụ khoảng 70.000m3 nước sông Đà.
Mất bò mới lo làm chuồng
TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam nhận định: “Nhìn thông báo của Viwasupco tôi thấy sự thiếu trách nhiệm và thực sự lo lắng cho nguồn nước sạch tương lai”.
Theo TS Tứ, cứ mỗi khi có vấn đề xảy ra chúng ta mới rà soát, yêu cầu lắp cảm biến hiện đại, camera giám sát, kênh kín dẫn nước… như vậy là “mất bò mới lo làm chuồng”. “Lắp đặt các hệ thống tự động là tốt, nhưng mới chỉ đảm bảo chất lượng đầu vào, còn đầu ra là nước sạch sinh hoạt cho người dân thì sao?”, TS Tứ nêu.
Cũng theo TS Tứ, cần có thiết bị quan trắc tại các điểm từ đầu ra Nhà máy nước sông Đà, đến các điểm trung chuyển nước đến họng nước dân cư. Các thông số này , Viwasupco phải công khai, minh bạch hằng ngày. TS Tứ cho rằng: Nước là mặt hàng kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp cần phải có kiểm định chất lượng, “truy nguồn gốc xuất xứ”… “Tiêu chuẩn Việt Nam về nước sạch đã rất đầy đủ, cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, kiểm tra để thực hiện đúng quy chuẩn”, TS Tứ nói.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, qua sự việc cho thấy việc bảo vệ nguồn nước từ đầu nguồn, mối quan hệ giữa các tỉnh, các vùng chưa chặt chẽ. Dù nước đã được chuyển cho tư nhân kinh doanh, nhưng cần phân công và phân cấp quản lý rõ trách nhiệm và trên cơ sở đó sẽ xử lý nếu có sai phạm. Hiện nay việc phân công phân cấp trách nhiệm, quyền hạn trong đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước vẫn chưa đồng bộ và rõ ràng.
"Lắp đặt các hệ thống tự động là tốt, nhưng mới chỉ đảm bảo chất lượng đầu vào, còn đầu ra là nước sạch sinh hoạt cho người dân thì sao?", TS Tứ nêu.
Cũng theo TS Tứ, cần có thiết bị quan trắc tại các điểm từ đầu ra Nhà máy nước sông Đà, đến các điểm trung chuyển nước đến họng nước dân cư. Các thông số này Viwasupco phải công khai, minh bạch hằng ngày.
Tiền Phong