MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ DongABank: Thanh tra và kiểm toán vào nhưng vì sao không phát hiện âm quỹ?

29-11-2018 - 13:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Tại phần xét hỏi, HĐXX đặt vấn đề hàng năm DongABank đều có thanh tra đồng thời có 2 đơn vị kiểm toán, tại sao lại không phát hiện việc âm quỹ.

Trả lời câu hỏi trên của hội đồng xét xử, Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á (DongABank – DAB) bị cáo Trần Phương Bình nói rằng kiểm toán khi tiến hành kiểm toán DAB thì chỉ tiến hành thực hiện tại một số đơn vị, tức trên nguyên tắc lấy mẫu. Kiểm toán theo mẫu, kết quả phải ghi nhận cho toàn bộ ngân hàng. Bởi, nếu kiểm toán hết 220 địa điểm DAB thì chi phí lớn và công việc cũng không làm xuể. Còn trên nguyên tắc, kết quả kiểm toán thì luôn luôn phải kiểm toán tổng thể.

Hậu quả theo đó dẫn đến việc bị cáo Bình thực hiện nhiều hành vi "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", chiếm đoạt hàng ngàn tỷ tại DAB. 

Theo cáo trạng, trên vai trò Tổng Giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT DAB, bị cáo Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 2.057 tỷ đồng, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại hơn 1.551 tỷ đồng, gây thiệt hại tổng cộng cho DAB hơn 3.608 tỷ đồng. Từ năm 2007 đến năm 2014, Trần Phương Bình chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến và các nhân viên thực hiện 9 hành vi phạm tội trong việc lập phiếu thu tiền khống đứng tên Trần Phương Bình và người thân để mua cổ phần của chính DAB.

Để bù đắp số tiền thu khống, Bình chỉ đạo xuất quỹ bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán số tiền mua cổ phần. Trần Phương Bình đã chiếm đoạt của DAB 1.160 tỷ đồng trong việc mua 74.279.236 cổ phần của chính DAB. Theo đó, Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Xuyến đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của DAB hơn 1.160 tỷ đồng thông qua việc mua hơn 74 triệu cổ phần DAB từ năm 2007-2014.

Kiểm toán, NHNN thanh tra như thế nào mà không phát hiện âm quỹ?

Tại phần xét hỏi, HĐXX đặt vấn đề hàng năm DAB đều có thanh tra đồng thời có 2 đơn vị kiểm toán, tại sao lại không phát hiện việc âm quỹ. Chi tiết nội dung xét hỏi như sau:

HĐXX: Hàng năm BCTC cuối năm có nổi lên vấn đề đều có kiểm toán từ 2 công ty và có thanh tra NHNN, bị cáo đã báo cáo như thế nào?

Bị cáo Trần Phương Bình: Có hai thanh tra từ NHNN, thanh tra tất cả hoạt động ngân hàng hoặc thanh tra từng bộ phận. Có năm thanh tra tín dụng, có năm không. Từ năm 2014 thì cơ quan thanh tra Nhà nước mới có thanh tra toàn diện DAB.

HĐXX: Có khi nào thanh tra quỹ thực tế không, trước năm 2014?

Bị cáo Bình: Bị cáo nhớ không rõ, nhưng có thể có lần đã thanh tra quỹ trước 2014.

HĐXX: NHNN làm như thế nào mà lại không phát hiện việc thiếu quỹ?

Bị cáo Bình: Thưa HĐXX, khi thanh tra NHNN thanh tra thì sẽ báo trước một số ngày để thông báo nội dung sẽ thanh tra cho DAB. Khi DAB nhận văn bản quyết định thì bản thân bị cáo đọc, suy nghĩ sau đó triệu tập các bộ phận gồm ngân quỹ, nhằm thực hiện che giấu hiện trạng âm. Tức là bị cáo điều chuyển các khoản âm quỹ đi các chi nhánh, phòng giao dịch mà cơ quan thanh tra sẽ không thanh tra.

HĐXX: Trong thời điểm thanh tra thực tế, thì chỉ đếm còn bao nhiêu tại quỹ hay kiểm tra tổng thể các sổ sách, và có phải đối chiếu với các điều chỉnh quỹ?

Bị cáo Bình: Dạ thưa theo quy định thì bắt buột phải kiểm đếm thực tế và đối chứng với sổ sách.

HĐXX: Còn với bộ phận kiểm toán, thì kiểm toán tổng thể hay chỉ kiểm toán tại hội sở?

Bị cáo Bình: Kiểm toán trên nguyên tắc lấy mẫu tại một số điểm vì nếu kiểm toán hết 220 địa điểm DAB thì chi phí lớn và công việc cũng không làm xuể. Còn trên nguyên tắc, kết quả kiểm toán thì luôn luôn phải kiểm toán tổng thể.


Nhóm PV

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên