MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế nói gì về tác động của tăng thuế VAT lên người nghèo?

Trao đổi về nhận định "tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng nặng nhất đến người nghèo", ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính nói rằng: "Đúng là người nghèo chịu tác động, nhưng có đến mức như vậy hay không thì câu chuyện chưa chắc". Chuyên gia về thuế này cũng phân tích thêm về việc tăng thuế VAT trên thế giới khi so sánh với Việt Nam.

Người nghèo bị ảnh hưởng đến mức nào?

Tại Hội thảo Cập nhật và đối thoại thuế 2017 diễn ra chiều 23/7, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho rằng, đúng là người nghèo chịu tác động do tăng thuế VAT, nhưng có đến mức nghiêm trọng như các ý kiến đưa ra không thì chưa chắc.

Theo kết quả điều tra xã hội học, 63% thu nhập của hộ thu nhập thấp chi cho nhóm hàng thực phẩm. Trong khi đó, nông sản, lâm sản thủy sản của người trực tiếp sản xuất là những sản phẩm không chịu thuế suất VAT.

Y tế, giáo dục - nhóm hàng hóa có tỷ lệ chi tiêu trong thu nhập cao thứ hai, sau thực phẩm - cũng tiếp tục không chịu thuế VAT.

Đối với nhóm hàng năng lượng, ông Phạm Đình Thi cho biết các chính sách an sinh xã hội đang được áp dụng như trợ giá cho một lượng nhất định trong mỗi tháng. Bên cạnh đề xuất tăng thuế, Ông Thi thông báo rằng Bộ Tài chính đang tổng hợp các chính sách an sinh xã hội hiện hành để đề xuất Chính phủ tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo.

Trong khi đó, nhiều ý kiến phản ánh trên báo chí đang cho rằng người nghèo sẽ bị ảnh hưởng nặng, thì với khoảng 10% hoàng hóa chịu thuế VAT còn lại, Bộ Tài chính chỉ đề suất tăng mức thuế suất thêm 2%. Vì vậy, “đúng là người nghèo chịu tác động, nhưng có đến mức như vậy hay không thì câu chuyện chưa chắc” – ông Phạm Đình Thi nói.

Thuế VAT của Việt Nam ra sao so với thế giới?

Ông Phạm Đình Thi khẳng định rằng, thuế thu nhập cá nhân trong tổng cơ cấu thu càng cao, thì thể hiện thuế trực thu càng cao, “và như vậy thì chúng ta đánh trúng vào người có thu nhập cao”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây xu hướng thu thuế trên thế giới lại có sự thay đổi.

Ở Nhật Bản, thuế VAT đã được điều chỉnh lên 7% từ mức 5% trước đó. Tháng 10/2019, Nhật Bản có dự kiến sẽ tăng VAT lên mức 10%. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, mức tăng đã được điều chỉnh gần gấp đôi.

Ở khu vực ASEAN, thuế suất VAT 7% ở Thái Lan, cũng sắp thay bằng 10% kể từ đầu năm 2018. Singapore không thể là đối tượng so sánh với Việt Nam vì nước này đã trở thành thị trường tự do.


Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính chia sẻ về đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính chia sẻ về đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính

Qua nghiên cứu nhiều cách áp thuế trên thế giới, ông Phạm Đình Thi cho rằng bối cảnh hiện nay đã thay đổi, thể hiện ở hai điểm: Thứ nhất, các quốc gia tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo quy định trong FTA, các loại thuế nhập khẩu đều được giảm và về 0%; Thứ hai, nợ công các nước trên thế giới, trong đó có cả các nước phát triển, ở mức rất cao. Do đó, việc tăng thuế VAT đang là xu hướng trên thế giới.

Tăng thuế chỉ là một việc trong kế hoạch chung

Ông Phạm Đình Thi cho biết 5 sắc thuế được điều chỉnh lần này chỉ là một phần trong kế hoạch cơ cấu lại nền tài chính quốc gia, gồm hai mảng: thu và chi.

Về thu, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi 5/10 sắc thuế hiện hành (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên). Khi thuế xuất, nhập khẩu giảm thì phải thay đổi cơ cấu thu theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa. Đề xuất tăng 5 sắc thuế cũng tính tới điều kiện khó khăn cho doanh nghiệp, khi chỉ 20% trong hơn 567.000 có kê khai thuế.

Về chi, nghị quyết của Đảng đã nêu lên vấn đề cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay, giáo dục và y tế đang chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng chi từ ngân sách nhà nước. Nêu ví dụ từ Singapore, ông Phạm Đình Thi cho biết tổng chi của nước này cho lĩnh vực giáo dục chỉ là 4%. Số tiền này chỉ chi trực tiếp cho những đối tượng cần được hỗ trợ về giáo dục. Ngân sách Singapore thu phần lớn từ giáo dục và y tế, ngược lại hoàn toàn với việc hỗ trợ giáo dục hiện nay ở Việt Nam.

Đồng thời, ngân sách nhà nước cũng sẽ giảm chi trả lương cho đội ngũ công chức. Theo ông Phạm Đình Thi, Bộ Tài chính đang chuẩn bị báo cáo về việc này, dự kiến trình lên Chính phủ trong tháng 10/2017.

“Khi được giao xây dựng chính sách, chúng tôi đã tính toán hết những điều đấy” – ông Phạm Đình Thi khẳng định.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên