Vụ việc Citigroup chuyển nhầm 900 triệu USD xảy ra trong quá trình ngân hàng chuyển đổi phần mềm
Trong suốt nhiều năm, phần mềm mà Citigroup Inc. sử dụng để quản lý các khoản vay vẫn được cho là quá lạc hậu. Nhưng ngay khi ngân hàng cố gắng thay thế nó, mọi thứ dường như trở nên tồi tệ hơn.
- 20-08-2020Diễn biến mới vụ Citigroup chuyển nhầm 900 triệu USD: Một vài công ty kiên quyết không trả lại tiền, phía Citi phải cầu cứu tòa án
- 30-07-2019Sau Deutsche Bank, Citigroup cũng cắt giảm một loạt nhân sự của bộ phận giao dịch chứng khoán - dấu hiệu cho thấy Phố Wall đang đối chọi với những "cơn gió ngược chiều"
- 21-10-2017Goldman Sachs, Google, Citigroup nằm trong số những nhà đầu tư lớn nhất vào công nghệ blockchain
Về việc chuyển khoản nhầm 900 triệu USD, ngân hàng khẳng định đây là lỗi của nhân viên. Tuy nhiên, có những quan điểm lại cho rằng đây là một câu chuyện về công nghệ phức tạp kéo dài từ những năm 1990. Đáng chú ý, vào năm ngoái, ngân hàng đã quyết định thay đổi phần mềm sử dụng để quản lý các khoản vay.
Một cuộc đánh giá nội bộ tại ngân hàng cho thấy việc con người vận hành phần mềm cũ theo cách thủ công cũng có thể dẫn đến những sai sót, tuy nhiên, bắt đầu một quá trình chuyển đổi phức tạp vào thời gian này - khi đại dịch vẫn đang diễn ra trên toàn cầu không phải là một ý hay.
Marc Victory, giám đốc bộ phận dịch vụ tài chính của công ty tư vấn Sia Partners nhận định: "Nếu bạn muốn chuyển từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác, đây là một dự án rất lớn, bởi những thay đổi về nhà cung cấp rất khó và phức tạp."
Quay trở lại với sự cố gần đây của Citigroup, ngân hàng chịu trách nhiệm nhận tiền trả nợ từ gã khổng lồ ngành mỹ phẩm - Revlon và chuyển cho các chủ nợ. Nhân viên của Citibank được cho là phải điều chỉnh thủ công phần dư nợ thực tế trước khi các khoản thanh toán lãi dự kiến được gửi đi trong tháng này. Sự cố xảy ra khi nhân viên đã không chọn đúng các lệnh trong hệ thống, dẫn đến việc cho phép hoàn trả toàn bộ cả gốc và lãi. "Thật không may, việc kiểm tra thủ công đối với nghiệp vụ đó cũng không phát hiện ra sai sót," Citigroup viết trong đơn gửi tòa án.
Mặc dù ngân hàng đã sớm thu hồi được hàng trăm triệu đô la, nhưng một số chủ nợ, bao gồm Brigade Capital Management, HPS và Symphony, đến hiện tại vẫn không chịu chuyển lại tiền. Điều này buộc Citibank phải khởi động một cuộc chiến pháp lý cho sự nhầm lẫn tai hại này.
Những năm gần đây, các cơ quan quản lý đã khuyến khích ngân hàng đầu tư vào việc cải thiện quy trình tín dụng. Trước đó, từ những năm 1990, Citibank đã bắt đầu sử dụng công nghệ Flexcube của Oracle Corp nhưng sau khi Stuart Riley được Citigroup chọn làm người đứng đầu của nhóm vận hành và công nghệ vào tháng 1/2019, Riley đã quyết định chuyển công nghệ cho vay hợp vốn sang Loan IQ của Finastra Group Holdings Ltd. - được hứa hẹn là có thể giúp các ngân hàng giảm 30% thời gian xử lý các khoản vay.
Citigroup cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi tự hào khi là công ty dẫn đầu toàn cầu về dịch vụ tài chính và nhận ra rằng lỗi hoạt động này là không thể chấp nhận được. Chúng tôi đã đưa ra các biện pháp kiểm soát bổ sung cho đến khi hệ thống mới được đi vào hoạt động."
Theo Bloomberg News đưa tin, Citigroup đã thông báo cho các cơ quan quản lý bao gồm Cơ quan Kiểm soát Tiền tệ và Cục Dự trữ Liên bang về những gì đã xảy ra trong tháng này. Việc chuyển đổi theo kế hoạch của công ty sang một nền tảng phần mềm khác có thể giúp xoa dịu những lo ngại về các khoản thanh toán ngẫu nhiên báo hiệu các vấn đề rủi ro tiềm ẩn.
Paul Spiteri, giám đốc điều hành của The Lending Practice, chuyên tư vấn về công nghệ và hoạt động cho vay thương mại của Citigroup cho biết: "Lỗi hoạt động này là một lời nhắc nhở rằng quá trình chuyển đổi mà chúng tôi đang trải qua là hoàn toàn cần thiết. Loan IQ được xây dựng để tránh những vấn đề như thế này".
Tham khảo: Bloomberg