MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Vua cá" Hùng Vương tiết lộ nguyên nhân ngập trong thua lỗ và nợ: Chi phí đầu tư một m2 cho heo ở còn cao hơn người ở, lên tới 20 triệu đồng /m2

11-01-2020 - 10:07 AM | Doanh nghiệp

Chi phí đầu tư theo đúng quy chuẩn cao là thế, nhưng theo chia sẻ của Chủ tịch Hùng Vương, Chính phủ lại chưa có cơ chế đầu tư cho ngành nông nghiệp, còn Ngân hàng lại thấy cho vay mua nhà ít rủi ro hơn là cho vay xây chuồng heo.

Vài năm gần đây, do thị trường cá tra luôn trong tình trạng ảm đạm, khiến doanh thu và lợi nhuận của Công ty CP Hùng Vương – doanh nghiệp được mệnh danh là "vua cá tra" ngày càng đi xuống, khiến công ty ngập ngụa trong nợ nần và phải bán rất nhiều công ty con để cứu vãn tình hình.

Theo VASEP, bắt đầu từ quý II sang quý III/2019, cá tra xuất khẩu đang trên đà sụt giảm. Tổng xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm giảm 10% đạt 1,64 tỷ USD; trong đó xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm mạnh trong quý II (giảm gần 42%), kéo kết quả xuất khẩu nửa đầu năm giảm gần 28% đạt 141 triệu USD, do lượng tồn kho tại Mỹ còn khá lớn và ảnh hưởng của thuế chống phá giá tại thị trường Mỹ cao. Giá cá tra nguyên liệu đầu tháng 12/2019 và đầu tháng 1/2020 tạo đáy thấp kỷ lục chưa từng có kể từ năm 2011 đến nay.

Chưa nói, Hùng Vương còn là doanh nghiệp bị áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất trong nhóm các doanh nghiệp thủy sản sau đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14) của Mỹ: 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ).

Không chỉ cá tra, mà mảng chăn nuôi heo của họ cũng không thông thuận. Nguyên nhân chính là bởi chi phí đầu tư cao, trong khi Chính phủ lại chưa có cơ chế đầu tư cho ngành nông nghiệp, còn Ngân hàng lại thấy cho vay mua nhà ít rủi ro hơn là cho vay xây trang trại heo.

"Nhìn chung, ngành nông nghiệp của Việt Nam chúng ta chậm phát triển là do cơ chế. Cho tới thời điểm này, cơ chế cho ngành nông nghiệp chưa có được sự đầu tư mạnh mẽ từ ở Chính phủ, như ngành tài chính. Rõ ràng, trong 4 năm nay, chúng ta cũng đã thấy những vật lộn trong ngành nông nghiệp, nhất là những người làm nông nghiệp tiên phong như chúng tôi lại càng khó khăn hơn.

Như tất cả mọi người đều biết, chúng tôi đang chìm đắm trong khó khăn, bởi như đã nói phía trên, thứ nhất cơ chế đầu tư cho ngành nông nghiệp Việt Nam chưa có và chi phí đầu tư lớn. Thực tế là, nếu làm đúng theo quy trình, 1m2 cho heo ở cần trên 20 triệu đồng tiền đầu tư, còn cao hơn tiền đầu tư cho con người ở nhà cao ốc", ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch Hùng Vương tiết lộ trong buổi lễ ký kết chiến lược hợp tác đầu tư với THACO.

Về phía Ngân hàng, nếu phải lựa chọn giữa cho vay mua nhà ở/căn hộ chung cư với cho vay nuôi trang trại công nghệ theo đúng quy chuẩn, họ chắc chắn thích cho đối tượng đầu vay hơn, vì nếu có vấn đề gì họ còn nhà cửa để ‘tịch thu’, còn nếu nếu doanh nghiệp nuôi heo thất bại thì họ chẳng biết lấy gì để mang về.

 Vua cá Hùng Vương tiết lộ nguyên nhân ngập trong thua lỗ và nợ: Chi phí đầu tư một m2 cho heo ở còn cao hơn người ở, lên tới 20 triệu đồng /m2  - Ảnh 1.

Một trang trại nuôi heo của Hùng Vương ở Bình Định. Ảnh: binhdinhinvest

Trong năm 2018, trả lời Thanh Niên về lý do khiến doanh nghiệp lỗ nặng, Hùng Vương đã nói như thế này: Nguyên nhân thứ hai là chi phí lãi vay cùng áp lực tài chính từ các dự án đầu tư dở dang.

Cụ thể, từ năm 2015 đến 2017, Hùng Vương đã triển khai các dự án chăn nuôi heo theo mô hình công nghệ cao và xây dựng kho lạnh 60.000 pallet vận hành hoàn toàn bằng robot.

Đến nay, một số công trình đã được hoàn tất đến 80% nhưng việc giải ngân từ phía ngân hàng bị trì hoãn. Có những dự án phải sử dụng hoàn toàn vốn ngắn hạn của công ty mà không có sự hỗ trợ đáng kể nào từ phía ngân hàng như đã cam kết. Tổng vốn ngân hàng cam hết tài trợ các dự án nói trên là 1.508 tỷ đồng, tương ứng 70% tổng giá trị đầu tư các dự án nhưng thực tế mới chỉ giải ngân được 484 tỷ đồng.

Do vậy, tổng vốn công ty bỏ ra lên đến 640 tỷ đồng được trích từ vốn ngắn hạn với lãi suất 9%/năm. Điều này gây ra tình trạng mất cân đối nghiêm trọng cho Hùng Vương. Trong khi các dự án còn dở dang chưa tạo ra lợi nhuận thì công ty vẫn phải gánh chi phí lãi vay mỗi ngày. Cụ thể chi phí lãi vay trong năm tài chính (kết thúc ngày 30/9/2017) lên đến 507 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2016 chỉ có 470 tỷ đồng.

Đó là nguyên do, khiến họ mặc dù đang có một đàn giống cụ kỵ từ Đan Mạch, nhưng không thể sản xuất thịt heo với mức giá như đất nước này: khoảng 1,1 Euro đến 1,2 Euro cho 1kg.

"Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều đoàn đi Đan Mạch, Hà Lan, Đức, thậm chí sang Mỹ, rồi về Canada; nhưng cuối cùng chúng tôi cũng rút lại là về lấy con giống Đan Mạch để làm chuẩn phát triển cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Đan Mạch được mệnh danh – tự hào là nơi có đàn heo tốt nhất thế giới. Con giống Đan Mạch là loại giống đẻ rất sai – sai nhất thế giới. Một đối tác Đan Mạch từng nói với chúng tôi: ông Minh có biết cái xứ sở Đan Mạch của chúng tôi hơn các quốc gia khác nào chỗ nào không? Chúng tôi có thể cấy được vú. Con heo của người ta chỉ có 10 đến 12 vú, con heo Đan Mạch có thể có 14 đến 16 vú. Nó cho năng suất rất cao.

Đại diện Đan Mạch đang có mặt hôm nay, họ luôn khẳng định Hùng Vương là đơn vị duy nhất độc quyền sở hữu con giống cụ kỵ có nguồn khốc từ Đan Mạch tại Việt Nam. Dù trong thời điểm khó khăn, tôi vẫn cố giữ được đàn heo có 1 không 2 ở Việt Nam này", ông Dương Ngọc Minh giải thích cụ thể.

Tuy nhiên, với việc liên minh cùng THACO, ông Minh tin rằng, những ưu điểm về đàn giống mà mình đang có sẽ được phát huy tối đa, còn những điểm yếu của mình cũng được hạn chế ở mức thấp nhất có thể.

Trong 2 tháng qua, THACO đã có nhiều bước đi mạnh mẽ và trong tháng 3 năm nay, họ sẽ có 20.000 con bố mẹ trong chuồng và tháng 5 bắt đầu sinh sản, tháng 6 sẽ có 40.000 ngàn con.

Về mảng chăn nuôi heo: hiện tại, Hùng Vương đang có 12.000 con cụ kỵ ông bà, con giống bố mẹ cũng khoảng 60.000 con để cung cấp cho những trại heo mà THACO đang xây. Tháng 8 này, sẽ có heo thương phẩm đưa ra thị trường. Còn chế biến sâu hơn nữa thì phải chờ đợi phía THACO.

Mảng cá tra: năm 2020, Hùng Vương đặt ra chỉ tiêu tổng suất khẩu 100.000 tấn thành phẩm, dự kiến mang về 250 triệu USD.

"Tôi cũng xin khẳng định, hơi chủ quan 1 chút, người nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long, họ trông đợi vào sự phát triển của Hùng Vương. Bao nhiêu năm nay, người nuôi cá tra ở đây đã giàu lên cũng nhờ chính sách từ Hùng Vương mà ra. Do đó, sự tác động của Hùng Vương trong ngành cá tra vẫn còn rất lớn, về sản lượng – giá cả", ông Minh khẳng định.

Mảng nuôi tôm: Hùng Vương cũng dự định sẽ phát triển lại con tôm ở tỉnh Bến Tre, với diện tích khoảng 500ha.

Logistics: trong năm nay, họ cũng sẽ xây dựng thêm 1 kho lạnh tự động hóa 60.000 tấn, đây là kho lạnh đầu tiên và lớn nhất Việt Nam do một doanh nghiệp Việt xây dựng, tại khu công nghiệp Tân Tạo. Sắp tới, Hùng Vương sẽ bàn bạc với THACO làm thêm kho lạnh khoảng 50.000 tấn tại khu công công nghiệp Hiệp Phước.

"Vấn đề quan trọng nhất là Hùng Vương - THACO phải xây dựng được 1 nền nông nghiệp Việt Nam phát triển và cùng xây dựng được 1 chuỗi sản phẩm an toàn – vệ sinh thực phẩm. Một điểm nữa, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển rực rỡ, vì chúng ta là nước nhiệt đới nếu phát triển được thêm công nghệ tốt thì giá thành sẽ tốt; công nghệ tốt thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tốt hơn", Chủ tịch Hùng Vương kết luận.

Theo Quỳnh Như

Trí thức trẻ.0--

Trở lên trên