MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vùng đồng bằng sông Hồng phải đi đầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

12-07-2022 - 16:55 PM | Xã hội

Sáng ngày 12/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, vùng đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, có địa hình tương đối bằng phẳng với hệ thống sông ngòi dày đặc, gồm có 11 tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội; diện tích toàn vùng hơn 21.278 km2 chiếm 6,42% diện tích cả nước, dân số khoảng 22,92 triệu người chiếm khoảng 22% dân số cả nước, với mật độ dân số gần 1,1 ngàn người/km2.

Vùng đồng bằng sông Hồng phải đi đầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo

Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước; là trung tâm khoa học công nghệ; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực; là vùng đất lịch sử lâu đời, nơi khai sinh các vương triều Đại Việt với nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều cảnh quan thiên nhiên và hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, nhiều lễ hội đặc sắc và nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống.

Tài nguyên thiên nhiên gắn với hệ thống sông Hồng, với diện tích lớn đất phù sa và nhiều loại khoáng sản có giá trị lớn. Tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng và phong phú với cảnh quan đẹp, hệ sinh thái rừng nhiệt đới, các suối nước khoáng, một số hang động bí hiểm lạ mắt, các bãi biển đẹp và nổi tiếng.

Tuy nhiên, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều tồn tại, hạn chế; nhiều vấn đề mới phát sinh và được đặt ra đối với phát triển vùng trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước. Văn hóa chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức,chưa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững.

"Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển, chưa tạo đột phá để nâng cao năng suất lao động. Y tế, giáo dục còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với trình độ các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề lớn đối với vùng nói riêng và cả nước nói chung. Một số mục tiêu của Nghị quyết 54-NQ/TW đề ra chưa đạt được" – đồng chí Trần Tuấn Anh nhận định.

Vùng đồng bằng sông Hồng phải đi đầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo - Ảnh 2.

Đồng chí Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo

 

Có cùng nhận định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cũng cho rằng, kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian qua chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Tiềm lực khoa hoạc công nghệ của các tỉnh, thành phố còn yếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu; nhân lực khoa học công nghệ trình độ chưa cao; chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu về chuyển giao kỹ thuật tiến bộ; đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế. Thị trường khoa học công nghệ trong vùng phát triển chậm.

Tương tự, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhận xét bên cạnh những thành tựu, phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bằng sông Hồng chưa thật sự bền vững - chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn vùng chưa có bước đột phá, phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu còn rộng, tri thức, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh thấp. Cùng với đó, thị trường lao động phát triển chưa toàn diện, chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn còn rất hạn chế, tỷ lệ việc làm phi chính thức còn cao; tồn tại nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết như độ bao phủ của bảo hiểm xã hội còn thấp; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo về mức sống, tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa bàn còn cao. Các vấn đề này tiếp tục sẽ là những khó khăn, thách thức trong giai đoạn phát triển mới của Vùng….

Kết thúc hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu, phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai là 4/10 nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, chủ yếu mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua.

Từ đó, để thực hiện mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế...

Đồng thời, phát triển các vùng kinh tế là một chủ trương xuyên suốt của Đảng ta. Nghị quyết Đại hội XIII đã yêu cầu: Xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới....

"Vùng đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy mạnh mẽ các trung tâm đổi mới sáng tạo. Tập trung xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn", đồng chí Trần Tuấn Anh nêu.

Theo Hà An

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên