MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vượt qua Indonesia, một quốc gia châu Âu tăng nhập khẩu 'hạt vàng hạt bạc' của Việt Nam hơn 7.000% trong 7 tháng đầu năm

11-08-2023 - 10:40 AM | Thị trường

Đây là quốc gia tăng nhập khẩu gạo Việt mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm với kim ngạch tăng 7.283%.

Vượt qua Indonesia, một quốc gia châu Âu tăng nhập khẩu “hạt ngọc trời” của Việt Nam hơn 7.000% trong 7 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 7 của nước ta đạt 660.738 tấn với kim ngạch 362,66 triệu USD, tăng 7% về lượng và tăng 6,4% về kim ngạch so với tháng 6/2023. Giá xuất khẩu trong tháng 7 đạt trung bình 549 USD/tấn, giảm nhẹ gần 1% so với tháng trước đó.

Tính chung trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của cả nước mang về hơn 2,6 tỷ USD với hơn 4,8 triệu tấn, tăng mạnh 20,1% về lượng và tăng 31,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu gạo trung bình trong 7 tháng đầu năm đạt 535 USD/tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về thị trường, Philippines vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt. Cụ thể trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt gần 1,94 triệu tấn với kim ngạch 984,9 triệu USD, giảm 2,1% về lượng và tăng 6,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 39,6% tỷ trọng về lượng và chiếm 37,6% trong tổng kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân đạt 508,3 USD/tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, dù không phải thị trường lớn nhất của gạo Việt nhưng quốc gia châu Âu này lại là thị trường tăng mạnh nhập khẩu gạo Việt nhất trong 7 tháng đầu năm. Cụ thể, trong 7 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 10.968 tấn với kim ngạch hơn 7 triệu USD, tăng mạnh 6.390% về lượng và tăng 7.283% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu trung bình đạt 643 USD/tấn, tăng gần 14% so với cùng kỳ.

Vượt qua Indonesia, một quốc gia châu Âu tăng nhập khẩu “hạt ngọc trời” của Việt Nam hơn 7.000% trong 7 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Tuy nhiên dù là quốc gia tăng mạnh nhập khẩu nhất tuy nhiên tỷ trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong tổng lượng và kim ngạch đều chưa đến 1% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.

Gạo là loại lương thực đang “nóng” nhất hiện nay sau khi Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu đến 40% sản lượng của thế giới ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá thị trường trong nước. Không riêng Ấn Độ, “thủ phủ” gạo của thế giới là Thái Lan cũng đang gặp khó về nguồn cung khi Chính phủ khuyến khích người dân trồng các loại cây cần ít nước hơn thay cho gạo do hiện tượng thời tiết El Nino có nguy cơ gây ra hạn hán. Ngay lập tức, giá gạo đã phản ứng khi tại thị trường châu Á, giá gạo thiết lập kỷ lục trong vòng 15 năm về giá.

Các quốc gia đang tăng mạnh dự trữ gạo từ các nguồn cung khác, bao gồm cả Việt Nam với lượng xuất khẩu đang tăng vọt trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm. Giá gạo xuất khẩu cũng đang chứng kiến đà tăng mạnh. Trước bối cảnh các quốc gia có khả năng tăng mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, trong đó một trong những nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm.

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương rà soát định hướng quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh sản xuất, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo. Khẩn trương triển khai xây dựng, thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên