MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Vượt rào" kế hoạch phát hành TPCP kỳ hạn 30 năm

18-10-2016 - 16:13 PM | Tài chính - ngân hàng

Trên thị trường sơ cấp, khối lượng đăng ký mua trái phiếu Chính phủ áp đảo lượng chào bán. TPCP kỳ hạn 30 năm đến nay đã chính thức vượt 12% kế hoạch phát hành. Trừ TPCP kỳ hạn 30 năm, lãi suất trái phiếu các kỳ hạn khác đều ở mức thấp.

Tranh mua trái phiếu Chính phủ

Thị trường tiền tệ tuần qua (từ 10/10-14/10) tiếp tục chứng kiến sự sôi động trên thị trường trái phiếu sơ cấp. KBNN chào bán 6.800 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 7 và 30 năm. Tương tự như tuần trước, tỷ lệ trúng thầu đạt 100% đối với cả hai kỳ hạn trên.

Khối lượng đăng ký mua hai kỳ hạn trên lần lượt là hơn 4.000 tỷ đồng và 7.862 tỷ đồng, cao áp đảo so với khối lượng trái phiếu Chính phủ chào bán.

SSI Research cho biết lãi suất trúng thầu của TPCP 7 năm giảm mạnh về 5,45% (so với 6,2% của đợt phát hành gần nhất). Lãi suất trúng thầu của TPCP kỳ hạn 30 năm vẫn ổn định ở mức 7,98%. Như vậy sau 2 tuần đầu của quý IV, KBNN đã hoàn thành 94,4% kế hoạch huy động 281 nghìn tỷ đồng từ kênh TPCP.

Đáng chú ý, trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Tổng cộng, Chính phủ đã huy động được 22.383 tỷ đồng từ loại hình trái phiếu này, vượt 11,9% so với kế hoạch đề ra. TPCP kỳ hạn 30 năm mới chính thức được chào bán từ cuối năm 2015. "Xuất kích" chưa đầy một năm nhưng loại hình trái phiếu này đã hoàn thành vượt kế hoạch chào bán.

Trên thị trường trái phiếu thứ cấp, thống kê của SSI Research cho thấy thanh khoản thị trường Trái phiếu thứ cấp đạt 36 nghìn tỷ đồng, tương đương GTGD trung bình đạt 7,2 nghìn tỷ đồng, giảm 5,9% so với tuần trước. Nguyên nhân chủ yếu do lượng Repos giảm 25,7%, còn 8,51 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, lượng Outrighst đạt 27,58 nghìn tỷ, tăng 2,6% so với tuần trước.

Khối ngoại bán ròng tuần thứ ba liên tiếp với giá trị bán ròng tăng lên mức 1.918 tỷ đồng. Theo SSI Research, hầu hết TPCP các kỳ hạn đều bán mạnh ngoại trừ TPCP kỳ hạn 10-15 năm (tăng 220 tỷ đồng). Các kỳ hạn bị bán mạnh trong tuần có: 2 năm (-773,7 tỷ), 5 năm (-389,4 tỷ), 3-5 năm (-235,2 tỷ), 7 năm (-215,2 tỷ).

Bơm ròng 4.000 tỷ đồng vào hệ thống qua kênh tín phiếu

NHNN phát hành được 37 nghìn tỷ tín phiếu với mức lợi suất có lúc chỉ có 0,3%. Ở chiều ngược lại, lượng tín phiếu đáo hạn là 41 nghìn tỷ đồng, đồng nghĩa bơm ròng 4 nghìn tỷ vào hệ thống. Tổng khối lượng tín phiếu lưu hành tính đến hết ngày 14/10 là khoảng 72 nghìn tỷ đồng.

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ, cam kết giảm lãi suất cho vay từ các ngân hàng

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ trong đó các kỳ hạn dài (1 tháng trở lên) có lãi suất tăng nhanh hơn. Cụ thể lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã tăng lên 0,41%/năm, các kỳ hạn 1 tuần, 1 tháng và 3 tháng lần lượt tăng lên mức 0,51%; 1,62% và 3,42%/năm.

Chính thức từ ngày 15/10, VCB giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Lãi suất trên 6,5% giảm xuống còn 6%, các khoản vay mới cũng giảm còn 6%. Các DN khởi nghiệp sẽ được giảm lãi suất từ mức 8% hiện nay xuống còn 6%/năm. Bên cạnh đó, Agribank cho biết sẽ dành 50 nghìn tỷ đồng từ 01/11 cho vay các đối tượng là DN, HTX, chủ trang trại… tham gia chuỗi sản xuất quy mô lớn với lãi suất thấp hơn 0,5-1% so với lãi suất thông thường (hiện là 7%).

Mới đây, BIDV cũng thông báo hạ lãi suất cho vay xuống 6% từ ngày 18/10 đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN, giảm 1% so với mặt bằng hiện nay. Đồng thời, nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi cũng được ông lớn này triển khai như gói tín dụng 40.000 tỷ đồng ngắn hạn, gói tín dụng dành cho nhóm khách hàng xuất nhập khẩu.

Theo SSI Research, động thái cắt giảm lãi suất cho vay của một số ngân hàng lớn là một tín hiệu ủng cho chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chỉnh phủ mới.

Theo Thanh Thủy

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên