Vượt Trung Quốc, một quốc gia Đông Nam Á trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, là khách 'ruột' số 1 của Việt Nam giúp thu về hơn 1 tỷ USD
Nhập khẩu gạo Việt Nam của quốc gia này đạt hơn 1,22 tỷ USD với hơn 2,3 triệu tấn, tăng 2,5% về lượng và tăng 15,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
- 16-09-2023Lý do giá gạo xuất khẩu Việt Nam đột ngột rời đỉnh
- 16-09-2023Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục mới cả sản lượng, giá trị xuất khẩu
- 14-09-2023Nhiều đoàn Philippines sang Việt Nam đàm phán mua gạo
Báo cáo mới nhất của USDA ước tính, Philippines đã phê duyệt nhập khẩu tổng cộng 3,9 triện tấn gạo trong giai đoạn từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2023. Con số này lớn hơn 3,5 triệu tấn gạo mà Trung Quốc dự kiến mua trong cùng kỳ. Điều này cũng có nghĩa là Philippines vượt qua Trung Quốc, nước mua gạo lớn nhất thế giới từ năm 2019.
Thái Lan và Việt Nam là hai nhà cung cấp gạo hàng đầu của Philippines trong năm 2023, theo USDA.
Về sản lượng gạo trong nước, Philippines đạt 12,6 triệu tấn so với 145,9 triệu tấn của Trung Quốc và 136 triệu tấn của Ấn Độ trong niên vụ 2022-2023. USDA dự báo, Philippines nhập khẩu 3,8 triệu tấn gạo trong niên vụ 2023-2024 và “trả lại” ngôi vị nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới cho Trung Quốc, nước dự kiến mua 4 triệu tấn gạo trong cùng kỳ.
USDA cho biết, giá xuất khẩu gạo đang ở mức cao nhất trong 15 năm do Ấn Độ, nước xuất khẩu hàng đầu, gây sốc trên thị trường gạo toàn cầu sau khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati vào tháng 7 và áp thuế xuất khẩu với gạo đồ vào tháng 8.
“Sự vắng mặt của gạo trắng Ấn Độ trên thị trường toàn cầu hiện nay gây ra tác động nghiêm trọng hơn nhiều so với 15 năm trước”, USDA nhận định.
Bất chấp bức tranh ảm đạm về nguồn cung gạo toàn cầu, USDA đánh giá tình hình vẫn chưa đến mức giống như cuộc khủng hoảng gạo năm 2008. Năm đó, Philippines là nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới và một số nước cùng lúc hạn chế xuất khẩu, đẩy giá gạo lên cao.
USDA cho biết dù giá xuất khẩu tăng mạnh, gạo vẫn chưa lên mức giá kỷ lục của năm 2008 vì một số lý do, chẳng hạn Việt Nam tiếp tục xuất khẩu và Ấn Độ miễn trừ một số nước khỏi lệnh cấm xuất khẩu.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của nước ta trong tháng 8 tiếp tục mang về thắng lợi lớn. Cụ thể trong tháng 8/2023, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 921.443 tấn với kim ngạch hơn 546 triệu USD, tăng 39,5% về lượng và tăng 50,75 về trị giá so với tháng 7/2023. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 5,8 triệu tấn, thu về hơn 3,1 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, là mặt hàng ghi nhận tăng trưởng đứng thứ 2 về sản lượng trong 8 tháng đầu năm.
Giá xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đầu năm đạt 537 USD/tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Xét về thị trường, Philippines duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt. Cụ thể trong tháng 8, nước ta xuất khẩu sang thị trường này 409.656 tấn gạo và thu về hơn 244 triệu USD, tăng 32,3% về lượng và tăng 76,8% về trị giá so với tháng 7/2023. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang Philippines thu về hơn 1,22 tỷ USD với hơn 2,3 triệu tấn, tăng 2,5% về lượng và tăng 15,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 4 tháng cuối năm nay, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ số lượng đơn hàng hàng tốt từ nhiều thị trường mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại nguồn cung không đủ đáp ứng, do nhu cầu ở nhiều nước trên thế giới tăng đột biến.
Nhịp sống thị trường