MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Walmart đang tìm kiếm cơ hội với hàng hoá Việt Nam?

Các mặt hàng được Walmart tìm mua trước mắt là sản phẩm thuỷ sản, thực phẩm, đồ nội thất, gia dụng, đồ chơi…

Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) vừa tổ chức toạ đàm Chiến lược hợp tác với Tập đoàn bán lẻ Walmart. Toạ đàm nhằm mục tiêu tạo cầu nối và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt đưa hàng hoá vào các hệ thống phân phối nước ngoài hiện đại.

Hiện thị trường 96 triệu dân đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài tham gia, trong đó có Walmart.

Ông Johnny Fung đại diện Tập đoàn Walmart, cho biết nhà bán lẻ khổng lồ này hiện có mặt tại 28 quốc gia, tổng doanh thu trong năm 2018 đạt trên 500 tỷ USD với số lượng khách hàng phục vụ bình quân 270 triệu khách/tuần nên nhu cầu tìm kiếm sản phẩm mới là rất lớn.

Trong thời gian tới, do nhu cầu mở rộng nguồn cung để đáp ứng tốc độ tăng trưởng mạng lưới phân phối trên toàn cầu nên Walmart chủ trương xây dựng kế hoạch mở rộng sự hiện diện của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trong toàn hệ thống. Trong đó, các mặt hàng được Walmart tìm mua trước mắt sẽ là các sản phẩm thủy sản, thực phẩm, đồ nội thất, đồ gia dụng, đồ chơi...

Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, vấn đề khó khăn nhất hiện nay của doanh nghiệp thủy sản là tuân thủ các tiêu chuẩn kép, gồm tăng trưởng bền vững đi đôi với thực hành trách nhiệm xã hội và mong muốn được Walmart hỗ trợ.

Tương tự, các đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA),… cũng nêu những vướng mắc trong việc tiếp cận kênh phân phối nước ngoài và mong muốn được Walmart hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng của tập đoàn này.

Với những ý kiến này, đại diện Walmart khẳng định, Tập đoàn đã làm việc với nhiều nhà sản xuất của Việt Nam và sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp những vướng mắc mà họ gặp phải trong quá trinh tiếp cận hệ thống phân phối của tập đoàn.

Cụ thể Walmart sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất, đặc biệt là tăng cường nhận thức cho doanh nghiệp về bảo đảm tiêu chuẩn lao động, tiền lương, tuyệt đối không sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức… Có như vậy mới đáp ứng được tiêu chuẩn kép là tăng trưởng bền vững đi đôi với thực hành trách nhiệm xã hội của tập đoàn.

Buổi tọa đàm là nội dung hợp tác quan trọng nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài do Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì. 

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ mạnh mẽ để Walmart xây dựng được hệ thống các nhà cung ứng đủ năng lực, từng bước gia tăng tỉ lệ sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam được bán qua hệ thống của nhà bán lẻ này trên toàn thế giới.


T.Công

VGP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên