Warren Buffett: Vàng là thứ vô dụng
Warren Buffett cho rằng vàng là tài sản không sinh lời vì không có nhiều giá trị sử dụng và cũng chẳng phát sinh thu nhập.
- 09-11-2021Bitcoin trở thành kênh trú ẩn thay cho vàng khi lạm phát toàn cầu gia tăng
- 06-11-2021Thảm cảnh của những khu đất ‘vàng’ ở thị trường bất động sản đắt nhất thế giới: Hạ giá gần 80% vẫn không ai ‘nhòm ngó’
- 02-11-2021Warren Buffett thắng lớn trong cuộc đua 'đào vàng' ở một quốc gia châu Á
Quay ngược trở lại năm 2009 khi nền kinh tế toàn cầu vẫn còn trong cơn khủng hoảng và mọi người đổ xô vào những tài sản trú ẩn như vàng, nhà đầu tư Buffett đã thẳng thừng tuyên bố: "Điều duy nhất tôi có thể nói với bạn về vàng là rằng nó sẽ chẳng làm gì ngoài việc nằm im ở đó. Trái lại, những công ty như Coca Cola hay Well Fargo đang kiếm tiền và bạn có thể đổ tiền vào đó. Rõ ràng việc có một con gà đẻ trứng sẽ tốt hơn rất rất rất nhiều một con gà chẳng làm gì mà chỉ ngồi đó nhìn bạn, trong khi bạn phải tốn thêm tiền đóng bảo hiểm, lưu kho và cả đống chi phí khác".
"Vàng được đào ra từ các mỏ như ở Châu Phi, rồi chúng ta nung nóng chúng, tạo một cái khuôn, đúc nó thành hình và trả phí cho nhân viên đứng xung quanh để canh gác. Nó chả mang lại lợi ích gì cả. Bất cứ người ngoài hành tinh nào nhìn thấy cảnh này chắc cũng cảm thấy khó hiểu"- Warren Buffett
Theo Buffett, việc đổ tiền vào những tài sản mang tính bảo hiểm như vàng, trang sức… sẽ tốn thêm chi phí bảo quản cũng như hạn chế tính thanh khoản. Tệ hơn, lợi nhuận mà bạn kiếm được phụ thuộc hoàn toàn vào việc giá các tài sản đó tăng hay giảm mà không làm chủ được tình hình.
Tuy nhiên, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác khi nền kinh tế khủng hoảng lan rộng và các nhà đầu tư nháo nhào tim nơi trú ẩn.
Chống lạm phát
Vào năm 1960, Chuyên gia kinh tế Thomas Schelling từng đoạt giải Nobel và là nhà nghiên cứu về lý thuyết trò chơi trong kinh tế đã cho xuất bản cuốn sách "Chiến thuật trong các xung đột". Trong đó, ông khảo sát một loạt người dân New York rằng nếu họ phải gặp một người bạn mà không được thông báo trước địa điểm, thời gian, không thể liên lạc thì ý tưởng đầu tiên nảy ra trong đầu là gì.
Phần lớn những người được hỏi đều trả lời là Nhà ga trung tâm vào buổi trưa, nơi đông đúc thường thấy mà người dân New York nào cũng biết.
Rõ ràng, mọi người thường hành động theo cảm tính nếu họ biết những người khác cũng sẽ làm như vậy trong tình huống thiếu thông tin. Nói đơn giản hơn, mọi người thường chạy theo đám đông khi chưa nắm bắt được thông tin đầy đủ. Ý tưởng nảy ra đầu tiên trong đầu mọi người sẽ là một "điểm neo" mà hầu như ai cũng biết mọi người sẽ nghĩ tới trong trường hợp tương tự.
Bây giờ hãy tưởng tượng nền kinh tế gặp khủng hoảng lan rộng và mọi người gặp áp lực bán bớt tài sản rủi ro, tìm kiếm nơi trú ẩn. Thế nhưng loại tài sản nào trong thời kỳ này sẽ thực sự an toàn?
Tiền mặt là thứ tài sản có tính thanh khoản cao nhất, nhưng loại tiền nào nên tích trữ trong thời buổi hỗn loạn? Đồng USD có lẽ là điều mọi người nghĩ tới nhiều nhất, nhưng với dịch Covid-19 đang hoành hành cũng như thâm hụt ngân sách khổng lồ ngày một tăng do các gói cứu trợ thì có lẽ giới nhà giàu chưa muốn mạo hiểm đổ hết tài sản vào đây.
Những đồng ngoại tệ khác cũng vậy, chúng là giấy nợ do chính phủ phát hành và chỉ thực sự an toàn nếu nền kinh tế của quốc gia đó chống chịu được lại lạm phát lẫn suy thoái.
Đồng Euro thì chẳng có đảm bảo gì chúng sẽ không mất giá nếu nền kinh tế Châu Âu khủng hoảng do dịch Covid-19 và Brexit. Đồng Nhân dân tệ thì không được giao dịch rộng rãi như đồng USD. Đồng Yên Nhật thì cũng gặp rủi ro khi chính phủ đưa hàng nghìn tỷ USD cứu trợ nền kinh tế, tạo sức ép lên giá đồng tiền này.
Giá vàng trong 30 năm qua (USD/ounce)
Câu trả lời còn lại có lẽ chỉ có vàng.
Khi nào vàng hạ giá?
Nghe đến đây có lẽ một số người sẽ thắc mắc, bởi chẳng lẽ nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men... mới là thứ mọi người phải tích trữ trong thời buổi rối ren hay sao?
Trên thực tế, câu chuyện tích trữ vàng diễn ra khi nền kinh tế chưa đến mức sụp đổ và các nhà đầu tư chỉ đơn giản tìm nơi trú ẩn cho tài sản không bị mất giá. Bởi vậy họ không cần tích trữ những thứ vẫn có khả năng mua được bằng tiền trong tương lai.
Trong khi đó, vàng được cho là tài sản chống chịu tốt với lạm phát. Kể từ thập niên 1970 đến nay, giá vàng luôn theo chiều hướng đi lên nếu tính cả lạm phát. Dù có chững lại trong thập niên 1990-2000 thì vẫn cao hơn so với các thời kỳ giảm giá trước đó.
Trên thực tế, rất nhiều kho dự trữ ngoại hối trên thế giới đã giảm tích trữ đồng USD và mua vào vàng. Tỷ lệ dự trữ đồng USD trong kho dự trữ 10,7 nghìn tỷ USD ngoại hối của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm từ 65% xuống dưới 62% trong thời kỳ Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm quyền.
Tại Nga, Ngân hàng trung ương nước này cũng đã giảm tỷ lệ đồng USD trong kho dự trữ ngoại hối xuống còn 22% và mua mạnh vào vàng.
Trong năm 2019 trước khi đại dịch diễn ra, lượng vàng mua ròng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng 74%, đạt mức cao nhất kể từ năm 1971.
Thậm chí đến thời điểm hiện tại, báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho thấy không có ngân hàng trung ương nào dự đinh bán vàng ra trong năm nay nhưng có đến 21% ngân hàng trung ương muốn mua vào. Việc hàng loạt chính phủ các nước mua ròng vàng trong thời gian qua cũng khiến giá vàng chao đảo mạnh.
Bây giờ trở lại câu chuyện Nhà ga trung tâm New York. Nếu mọi người đến đó nhưng không gặp người cần gặp, họ sẽ tìm kiếm ở nơi khác. Cũng tương tự như vàng, khi nhà đầu tư mua vào làm nơi trú ẩn an toàn để rồi nhận ra nền kinh tế không tệ như dự đoán hoặc có các kênh đầu tư sinh lời an toàn và hiệu quả hơn, họ sẽ bán vàng ra.
Đây là lúc thị trường vàng sẽ phải điều chỉnh, vấn đề là khi nào đợt tăng giá này sẽ tự điều chỉnh lại thì không ai chắc chắn.
Doanh nghiệp & Tiếp thị