WeWork phá sản và lời nhắc nhở của Warren Buffett: ‘Bạn chẳng thể rút ngắn thời gian sinh con xuống 1 tháng bằng cách làm 9 người phụ nữ có thai đâu’
Theo Warren Buffett, có tài giỏi đến mấy thì cũng cần thời gian mới làm giàu được. Giới đại gia thực thụ thường không có tư tưởng “đánh bạc”, làm giàu nhờ chụp giật cơ hội hay nhờ may mắn.
- 08-11-2023WeWork - Thương vụ 'liều mất nhiều' đáng quên nhất đời Masayoshi Son, hàng chục tỷ USD sau 4 năm hoá thành lá đơn xin phá sản
- 07-11-2023WeWork chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản: Startup huy hoàng từng trị giá 47 tỷ USD nay chỉ còn là thất bại của tỷ phú "liều ăn nhiều" Masayoshi Son
- 04-11-2023Ai đã huỷ hoại WeWork?
“Bất kể bạn tài giỏi hay có năng lực đến thế nào thì có những việc cần thời gian mới tạo ra kết quả. Bạn chẳng thể rút ngắn thời gian sinh con xuống 1 tháng bằng cách làm 9 người phụ nữ có thai đâu”- Warren Buffett.
Tờ Inc cho hay nhà sáng lập Brian Chesky của Airbnb từng nhớ lại về một bữa trưa đáng nhớ cùng tỷ phú Jeff Bezos và Warren Buffett.
Bản thân nhà sáng lập Amazon từng cực kỳ ấn tượng về cách làm giàu của Warren Buffett và đã hỏi: “Này Warren, cách làm giàu của ông nhìn có vẻ đơn giản và khá thông minh, nhưng tại sao chẳng mấy ai bắt chước vậy?”
“Vì chẳng có ai muốn làm giàu ‘chậm’ đấy”, nhà đầu tư huyền thoại hóm hỉnh đáp lại.
Theo Inc, phong cách làm giàu bền vững của Warren Buffett được rất nhiều đại gia đồng tình, nhưng chúng lại chẳng được giới trẻ hưởng ứng nhiều, nhất là khi nhiều người bị ám ảnh bởi lối sống hưởng thụ của giới thượng lưu trên mạng xã hội và tìm mọi con đường ngắn nhất để kiếm tiền bất chấp rủi ro.
Thế rồi sự thành công của những nhà đầu tư mạo hiểm như Masayoshi Son càng khiến ham muốn làm giàu nhanh chóng trong giới trẻ bùng nổ, cho đến khi “vết nhơ” WeWork của vị tỷ phú này vỡ nợ và làm bộc lộ mảng tối của ngành.
Làm giàu ở tuổi 65
Theo The Barrons, ít ai để ý rằng 95% tài sản của Warren Buffett khi ông đã ngoài 65 tuổi, qua đó phản ánh triết lý làm giàu chậm nhưng chắc của nhà đầu tư này.
Ở tuổi 93, Warren Buffett vẫn dẫn dắt Berkshire Hathaway khi mà phần lớn những người cùng tuổi đã nghỉ hưu hoặc thậm chí đã qua đời.
Thế nhưng quỹ đầu tư của ông vẫn kinh doanh tốt với tổng vốn góa thị trường lên đến 754,61 tỷ USD.
Từ năm 1983 đến nay, giá cổ phiếu của hãng đã tăng hơn 40.151%, đạt mức kỷ lục 525,28 USD/cổ phiếu tính đến phiên 8/11/2023.
Xin được nhắc là vào năm 2006 khi ở tuổi 75, nhà đầu tư này đã quyên góp 33 tỷ USD cho quỹ Bill and Melinda Gates Foundation, cùng 8 tỷ USD cho các tổ chức từ thiện khác.
Như vậy nếu tính tổng tài sản hiện nắm giữ vào khoảng 116 tỷ USD cùng khoản tài sản làm từ thiện, đáng lẽ Warren Buffett hiện đã có đến 250 tỷ USD và trở thành người giàu nhất thế giới chứ không phải Elon Musk (210 tỷ USD).
Theo hãng tin CNBC, để đạt được thành công này thì Buffett có tính kiên nhẫn, kỷ luật cao và không hành động theo cảm tính.
Những người hiểu biết về sự thành công của nhà lãnh đạo Berkshire đều thừa nhận rằng Buffett luôn đầu tư cho những mảng kinh doanh có tiềm năng phát triển hàng thập niên trong tương lai bất kể giá cổ phiếu hiện tại của họ như thế nào.
Chính sự kiên nhẫn này đã giúp Buffett đi đến thành công mà không bị ám ảnh quá mức vào mục tiêu tăng trưởng hay làm giàu bao nhiêu tiền để rồi bỏ cuộc giữa chừng.
Hãng tin CNBC cho hay những tỷ phú như Buffett thường kiên nhẫn giải quyết các vấn đề, tương tự như khi đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Trả lời CNBC, nhà sáng lập Howard Marks của Oaktree Capital Management từng cho biết bản thân đã vượt qua được giai đoạn khó khăn của khủng hoảng 2008 cũng như những ngày tháng đại dịch Covid-19 nhờ tập trung phân tích số liệu hơn là sợ hãi đưa ra các quyết định dựa trên rủi ro thị trường.
Nhờ đó, Oaktree của Marks đã thu về khoản lợi nhuận 6 tỷ USD sau cuộc khủng hoảng 2008 trong khi cả thị trường ảm đạm.
Với những lý do này, việc tỷ phú Masayoshi Son đầu tư hàng loạt cho các startup để rồi thu lời khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) không được Warren Buffett hưởng ứng, dù ông từng nhận định ông chủ Softbank là nhà đầu tư có tài.
Câu chuyện Softbank đầu tư mạo hiểm theo xu thế khởi nghiệp, hưởng lợi lớn từ thành công của Alibaba và Uber đã thúc đẩy quỹ đổ hàng tỷ USD cho nhiều startup, đợi chờ chúng lên sàn chứng khoán, tăng giá trị rồi bán lại.
Thế nhưng khi nhà đầu tư ngày càng khắt khe hơn với việc các nhà khởi nghiệp đốt vốn, thị trường startup khó khăn hơn mà tiêu biểu là việc WeWork mới đây nộp đơn xin phá sản đã khiến nhiều người nhìn nhận lại câu chuyện làm giàu.
Rõ ràng, dù có tài năng cỡ Masayoshi Son thì sự kiên trì mới là chìa khóa bền vững cho thành công.
Biết nói ‘Không’
Theo CNBC, những người giàu thực thụ thường nói “Không” nhiều hơn là “Có” với những thứ vô bổ chẳng giúp ích gì cho việc làm giàu.
Ví dụ tỷ phú David Rubenstein của Carlyle Group cho biết ông thường ghi chú những thứ không nên làm trong cuộc sống, như không uống rượu, không tốn thời gian đánh golf, không xem tivi quá nhiều...
Hầu như tất cả những hoạt động mà vị tỷ phú này cho là tốn thời gian sử dụng trí não của mình cho việc kiếm tiền đều bị loại bỏ.
Tương tự, Warren Buffett cũng là một người hay nói “Không” với những thứ không cần thiết, thực hiện sự kỷ luật theo đúng triết lý của mình.
Những người quen biết với Buffett đều biết ông có một cuộc sống khá đơn giản, nếu không muốn nói là bình dân với những người giàu khác.
Người đàn ông có hàng trăm tỷ USD tài sản này vẫn sống trong ngôi nhà cũ ở Omaha khi ông mua chúng vào năm 1958 với giá 31.500 USD.
Dù giàu có nhưng Buffett không ăn xa xỉ như trứng cá hồi hay rượu vang đắt tiền, thay vào đó là những món bình dân như McDonald’s hay uống Coca Cola.
Thậm chí trên chương trình Dan Patrick Show, nhà đầu tư huyền thoại này còn từng thừa nhận điều hối hận nhất về tiền bạc trong cuộc đời mình là không được học cách tiết kiệm tiền từ sớm.
Bên cạnh đó, câu chuyện nổi tiếng nhất về Buffett có lẽ là chiếc ô tô cũ mà ông mãi mới chịu thay.
“Bạn phải biết rằng cha tôi giữ chiếc xe lâu đến mức tôi phải bảo với ông ấy là: ‘Thế này thật đáng xấu hổ, đã đến lúc thay xe mới rồi bố’, thì ông ấy mới chịu đổi xe đó”, người con gái của Warren Buffett nhớ lại.
Chính nhờ triết lý sống và kinh doanh này mà Buffett không chạy theo trào lưu khởi nghiệp như Masayoshi Son. Quỹ Berkshire của ông cũng thường chọn các tập đoàn uy tín lâu năm như BYD của Trung Quốc chứ chẳng rót vốn cho Tesla non trẻ của Elon Musk.
Giờ đây trong khi WeWork phá sản khiến Masayoshi Son dính vết nhơ sự nghiệp, Tesla của Elon Musk gặp khó vì cầu yếu thì BYD và Berkshire của Warren Buffett lại đang hưởng trái ngọt nhờ biết kiên nhẫn và kỷ luật trên.
*Nguồn: Inc, CNBC
Nhịp sống Thị trường