WinCommerce có lãi sau thuế trong tháng 6 dù số lượng cửa hàng “bất động” từ quý 1 đến quý 2, điều gì đang xảy ra?
"Ban lãnh đạo tin rằng WCM có thể đạt được LNST dương trong quý 3 và quý 4/2024 nếu WCM duy trì được mức tăng trưởng LFL là 9% trong 2 quý này" – Vietcap cho biết.
- 26-07-2024Masan Group: Lợi nhuận ròng quý 2/2024 vượt cả năm 2023, WinCommerce đã có lãi sau thuế trong tháng 6
- 24-06-2024Masan Group phản hồi thông tin sai lệch về việc thực hiện quyền chọn bán của SK Group
- 02-06-2024Tăng 120% từ đầu năm, vốn hoá Masan Consumer vượt qua Vinamilk, trở thành công ty lớn nhất ngành thực phẩm đồ uống trên sàn chứng khoán
SỐ CỬA HÀNG 'BẤT ĐỘNG' TỪ QUÝ 1 ĐẾN QUÝ 2/2024
Khi công bố tình hình tài chính hợp nhất quý 2/2024, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã chứng khoán MSN) thông báo WinCommerce (WCM) đã có lợi nhuận sau thuế dương trong tháng 6.
"Tin mừng" này đi kèm một con số đáng chú ý khác, đó là số cửa hàng tăng thêm kể từ tháng 12/2023 đến tháng 6/2024 là 40 cửa hàng, đưa tổng số điểm bán lên 3.673 – con số này không thay đổi so với cuối thời điểm quý 1.
Điều này không có nghĩa là WCM đã không mở thêm 1 cửa hàng nào trong suốt quý 2. Họ vừa mở mới, vừa tiến hành đóng những cửa hàng không hiệu quả.
Masan cho biết đã nâng cấp, cải tiến cửa hàng WiN (hướng đến người tiêu dùng ở khu vực thành thị) và WinMart+ Rural (phục vụ người tiêu dùng ở khu vực ở nông thôn). Hai mô hình cửa hàng này đạt hiệu quả vượt trội so với mô hình truyền thống.
Báo cáo của Vietcap tiết lộ thông tin trong cuộc gặp mặt nhà đầu tư ngày 26/7 cho biết, WCM đã thận trọng với việc mở thêm cửa hàng, thay vào đó sẽ tập trung vào cải thiện các cửa hàng hiện có và cải tạo các cửa hàng theo mô hình WIN.
Điều này là một trong những lý do giúp WCM có lãi khi hiệu quả hoạt động của các cửa hàng cải thiện rõ rết. Nhờ lượng khách hàng đến cửa hàng tăng lên, doanh thu LFL (Like for Like - mức doanh thu trên cơ sở so sánh tương đương tại các cửa hàng hiện hữu) tăng 9,7% so với cùng kỳ với tổng doanh số đạt gần 2,8 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, chi phí huỷ hàng giảm.
"Ban lãnh đạo tin rằng WCM có thể đạt được LNST dương trong quý 3 và quý 4/2024 nếu WCM duy trì được mức tăng trưởng LFL là 9% trong 2 quý này" – Vietcap cho biết.
Do đó, trong ngắn hạn, WCM sẽ tập trung vào việc cải thiện tăng trưởng LFL về lượng khách và giá trị trung bình hóa đơn. Trong trung hạn, WCM có kế hoạch tăng đóng góp doanh số từ các nhãn hàng riêng.
Thực tế từ năm 2023 trong bối cảnh ngành bán lẻ hiện đại gặp khó khăn, thay vì thực hiện kế hoạch mở mới 800 – 1.200 cửa hàng, WinCommerce đã quyết định chuyển trọng tâm từ mở rộng mạng lưới thuần túy sang cải tạo cửa hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm củng cố khả năng cạnh tranh của công ty, đồng thời mang lại mức tăng trưởng về lợi nhuận.
Hành động này đã hỗ trợ WCM có lợi nhuận EBIT trong quý 3, quý 4/2023, quý 1/2024 và đưa đến kết quả tốt hơn nữa trong quý 2/2024.
Tuy nhiên, như lời Tổng giám đốc WinCommerce cho biết tại ĐHCĐ về việc chuỗi đã hoàn tất tái cơ cấu và trở lại chiến lược mở rộng điểm bán, công ty này dự kiến sẽ đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng trong nửa cuối năm 2024 với khoảng 100 cửa hàng minimart mới trong mỗi quý, tương đương với việc mỗi ngày mở trung bình 1 cửa hàng.
HÀNH TRÌNH TÌM LỢI NHUẬN
"Bao giờ WinCommerce có lãi" là câu hỏi dường như tất cả mọi người đều đặt ra từ khi chuỗi bán lẻ này được Vingroup khai sinh và vận hành, đến lúc bán lại cho Masan, nó càng được quan tâm hơn nữa như một cách kỳ vọng vào "tài năng" của các tỷ phú.
"Đối với WinCommerce, thước đo phản ánh hiệu quả rõ ràng nhất chính là có lãi ròng sau thuế. Tuy WinCommerce chưa đạt được nhưng đã nắm trong tay lộ trình để hiện thực hóa điều này" – Trong Báo cáo thường niên 2023 của Masan Group (MSN), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang chia sẻ về "nỗi niềm" mà ông cũng phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 4/2024, mong muốn đưa mảng bán lẻ sánh vai cùng "gà đẻ trứng vàng" là mảng tiêu dùng.
Theo Chủ tịch Masan, hiện tại, thị phần giá trị thương mại hiện đại của WCM là 25% và thị phần mạng lưới chiếm 50%, trong khi 90% cửa hàng của hệ thống đã đạt đến điểm hòa vốn về EBITDA, so với mức 5% khi họ mua lại mảng kinh doanh này.
"Chìa khóa thành công nằm ở việc phát triển các mô hình cửa hàng sáng tạo, lựa chọn danh mục sản phẩm phù hợp với từng địa phương nhưng vẫn đơn giản và mang lại trải nghiệm mua sắm riêng biệt để phục vụ người tiêu dùng ở mọi mức thu nhập" – Ông Quang tóm tắt.
Bên cạnh đó, Masan Group sẽ chuyển đổi số và nâng cấp cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng để phục vụ chính xác và linh hoạt nhu cầu của khách hàng tại mỗi cửa hàng, với từng mã sản phẩm cụ thể, đồng thời mở rộng các dịch vụ được cá nhân hóa bằng trí tuệ nhân tạo/máy học (AI/ML) thông qua chương trình Hội viên WiN.
2 "lá bài" của Masan là chương trình Hội viên WIN và nền tảng logistics Supra đã phát huy hiệu quả. Mô hình hội viên cung cấp cho Masan thông tin chi tiết về lượng hàng thực tế được tiêu thụ. Còn Supra giúp tối ưu hiệu quả chuỗi cung ứng để đảm bảo khả năng cạnh tranh về chi phí trên toàn bộ chuỗi.
Được biết, chi phí thu hút khách hàng của WCM vẫn bằng 0, giá trị giỏ hàng thành viên tăng gấp đôi so với những người không phải là hội viên. Theo đó, trung bình các hội viên mua sắm 4 lần mỗi tháng. Trong khi đó, Supra tiết giảm chi phí vận chuyển 11% đối với sản phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường và 11% đối với sản phẩm tươi sống.
Masan hướng đến một nền tảng rộng hơn là Win Digital – sự kết hợp giữa Hội viên WIN và Supra – điều mà tỷ phú Quang kỳ vọng là chìa khóa để tiếp cận 30-50 triệu người tiêu dùng mà không "đốt tiền".
Theo đó, Win Digital tích hợp các dịch vụ được cá nhân hóa ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào mô hình dự báo nhu cầu và chính sách hàng tồn kho. Dự án đã được thử nghiệm trên 20 mã sản phẩm và 111 cửa hàng đã mang lại kết quả khả quan, với tỷ lệ sẵn có của sản phẩm tăng từ 92% lên 95% và số ngày tồn kho giảm 4 ngày. Đến cuối năm, tất cả các sản phẩm và cửa hàng đều sẽ hoạt động trên thuật toán tự động mới này, giúp gia tăng hiệu quả chuỗi cung ứng, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và rút ngắn chu kỳ vòng quay tiền mặt.
Trong việc mở rộng chuỗi, WCM đã giảm được 40% về chi phí đầu tư cửa hàng dựa vào tối ưu không chỉ về đàm phán để có được sản lượng mua lớn và các phương án tối ưu nhất các trang thiết bị, cung cấp đủ cho nhu cầu chứ không cung cấp dư do vậy CAPEX (chi phí vốn) đã giảm được 30-40% trong những năm qua.
ĐẶT KỲ VỌNG VÀO NHÓM NHÃN HÀNG RIÊNG
Để mở rộng điểm bán nhưng không đi lại vết xe đổ "càng làm càng lỗ", tại ĐHCĐ, WinCommerce tuyên bố chiến lược cạnh tranh về giá. Doanh nghiệp sẽ duy trì chỉ số giá ngang bằng hoặc cạnh tranh so với thị trường. Điều này được duy trì dựa trên điểm tựa "cây nhà lá vườn", gia tăng các sản phẩm mang nhãn hàng riêng và thương hiệu Masan Consumer.
Theo Masan, với sức mạnh của hệ sinh thái, sức mạnh sản xuất cũng như xây dựng nhãn hiệu của Masan Consumer thì WCM sẽ kết hợp để đưa ra được 40 nhãn hiệu riêng.
Hiện tại, doanh thu các nhãn hàng riêng của WCM hiện nay mới chỉ chiếm dưới 10% trên tổng doanh thu. Tuy nhiên biên độ lợi nhuận của nhãn hàng riêng trong WCM đang cao hơn 3-5% trong từng nhóm hàng MCH. Đặc biệt các sản phẩm của nhãn hàng riêng đi theo chiến lược "value for money" nên giá bán của sản phẩm cũng thấp hơn 5-10%, thậm chí có sản phẩm thấp hơn 20%.
Những yếu tố này khiến tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tự tin trong việc xây dựng chiến lược nhãn hiệu và dự kiến trong 5 năm tới, sản phẩm nhãn hàng riêng sẽ chiếm 30% trong tổng quy mô doanh số của WCM.
An ninh Tiền tệ