MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

World Bank chỉ rõ 4 vấn đề Việt Nam cần ưu tiên để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao

Việt Nam được đánh giá là đang đứng trước thời điểm vàng nhờ các cơ hội quý như tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, hội nhập quốc tế sâu rộng, dòng vốn đầu tư càng chảy nhiều hơn và các nền kinh tế mới nổi…

Kinh tế Việt Nam là đan xen của cơ hội và thách thức 

Diện mạo kinh tế đất nước sau 30 năm đã thay đổi hoàn toàn, theo Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018, diễn ra sáng nay, 5/12.

Việt Nam theo đó đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đến hết năm 2017, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 224 tỷ USD, xếp thứ 4, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.300 USD, xếp thứ 134. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81% và dự kiến năm 2018 có thể đạt cao hơn.

Bên cạnh đó, chỉ số phát triển con người (HDI) đứng thứ 116/189 quốc gia, hệ số bất bình đẳng về phân phối thu nhập (GINI) ở mức tích cực, 0,43 điểm. Các chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường kinh doanh đạt nhiều tiến bộ đáng khích lệ...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kinh tế Việt Nam những năm tới là đan xen giữa thách thức và cơ hội. Một số kịch bản kinh tế đã được đưa ra với triển vọng tăng trưởng trung bình của Việt Nam ước đạt 6,85% trong các năm 2018-2020.

World Bank chỉ rõ 4 vấn đề Việt Nam cần ưu tiên để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao - Ảnh 1.

Tuy nhiên, Chính phủ vẫn luôn ý thức được những thách thức và khó khăn, cả những vấn đề nội tại cũng như những tác động khách quan từ bên ngoài có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

"Câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là làm thế nào để tận dụng triệt để được mọi cơ hội, nhất là cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vượt qua được các khó khăn, thách thức, làm rõ các động lực tăng trưởng mới", Bộ trưởng cho biết.

Việt Nam đang đặt mục tiêu hướng tới tăng trưởng bứt phá, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở tận dụng thành tựu khoa học công nghệ của nhân loại, trở thành một nước công nghiệp hiện đại, có nền kinh tế thị trường tiên tiến, phát triển bền vững lấy mục tiêu phát triển con người là trọng tâm.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang đứng trước thời điểm "vàng" nhờ vào các cơ hội quý. Đơn cử như tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, làn sóng công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ,...

"Thời gian và vận hội sẽ không chờ đợi chúng ta! Chúng ta không thể không không nắm bắt lấy những cơ hội quan trọng này", Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết Việt Nam cần tập trung cải cách thể chế, nâng cao cạnh tranh doanh nghiệp thông qua chính sách, giải pháp phù hợp...

4 ưu tiên của Việt Nam

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia World Bank Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với Bộ trưởng Dũng về những tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong suốt 30 năm qua.

Tuy nhiên, ông cho biết hành trình trở thành một nền kinh tế hiện đại hoá, công nghiệp hoá của Việt Nam mới chỉ mới bắt đầu. "Những thành tựu trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai", ông nói.

Trong nước, Việt Nam sẽ phải giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tăng trưởng năng suất chậm và đầu tư thấp, cũng như chi phí môi trường lên quá trình phát triển ngày càng lớn.

World Bank chỉ rõ 4 vấn đề Việt Nam cần ưu tiên để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao - Ảnh 2.

Trong khi xử lý những cản trở này, Việt Nam cũng sẽ cần phải lựa chọn hướng đi trong một bối cảnh thế giới đang thay đổi.

Điều quan trọng trong quá trình đất nước chuyển sang chu kỳ chiến lược và kế hoạch phát triển tiếp theo được ông Ousmane Dione nhấn mạnh là phải nhìn nhận tồn đọng và thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng, không chỉ là chất mà còn là lượng.

"Đây là điều cần thiết đối với Việt Nam để thực hiện thành công khát vọng trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao như đã hình dung trong báo cáo Việt Nam 2035", Giám đốc World Bank Việt Nam nói và chỉ ra 4 ưu tiên cho Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển khu vực tư nhân trong nước. Khu vực này sẽ trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.

Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho doanh nghiệp tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý. Song song với đó, Việc Nam phải cải cách DNNN, tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị doanh nghiệp, thông qua Uỷ ban quản lý vốn nhà nước mới thành lập, đồng thời thúc đẩy và tăng cường cổ phần hoá và thoái vốn.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, chú ý đến khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ hai, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng cả về chất và lượng. Đứng trước những khó khăn về tài chính, việc giải phóng nguồn đầu tư tư nhân có thể có ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đầu tư cao của Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư vào vốn nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ đột phá thay đổi nhanh chóng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đầu tư vào vốn nhân lực sẽ đòi hỏi một phương pháp tiếp cận theo toàn bộ chu kỳ với những nỗ lực phối hợp hiệu quả để cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, đặc biệt là ngay từ thời thơ ấu, giáo dục suốt đời và đào tạo kỹ năng.

Thứ tư, Việt Nam cần quan tâm đến các vấn đề môi trường do sự tăng trưởng nhanh chóng đang tạo ra chi phí môi trường ngày càng lớn. Những vấn đề môi trường ngày càng tăng này không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn.

"Để thực hiện 4 nội dung ưu tiên này sẽ cần những thể chế của nhà nước có năng lực và hiệu quả", ông Ousmane Dione cho biết. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh việc cần phải huy động và sử dụng những nguồn lực khan hiếm của mình một cách hiệu quả để tài trợ cho một chương trình phát triển đầy tham vọng.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên