MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

World Bank ra mắt dự án hỗ trợ số hóa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam

World Bank ra mắt dự án hỗ trợ số hóa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam

Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ tài chính, công nghệ cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi một số phần quản lý sang hình thức số hóa nhằm tăng hiệu quả, năng suất cũng như doanh thu cho doanh nghiệp.

Vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức hội thảo trực tuyến về việc khởi động dự án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Việt Nam chuyển đổi số. Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp SME Việt Nam về các khía cạnh như tài chính, công nghệ cũng như trợ giúp các kiến thức cơ bản về quản lý và vận hành doanh nghiệp bằng công nghệ 4.0.

Tại hội thảo, theo quan điểm của ông Nguyễn Thành Nam, hiệu trưởng Đại học Trực tuyến FUNiX, nền móng của kinh tế là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo nên. Lý do khiến những SME có tầm quan trọng đến như vậy chính là vì sự linh hoạt của loại hình doanh nghiệp này.

Ông Nam nói thêm, các doanh nghiệp SME chính là những doanh nghiệp có ưu thế trong chuyển đổi số vì những doanh nghiệp này vốn có quy mô nhỏ, nhanh và dễ dàng sửa sai trong quá trình thay đổi. Trong khi đó, những doanh nghiệp lớn mỗi khi thay đổi chính sách hay đưa ra quyết định mới thường mất rất nhiều thời gian.

Tuy có nhiều lợi thế như vậy, nhưng các doanh nghiệp SME ở Việt Nam vẫn còn e ngại trong việc số hóa doanh nghiệp của mình. Chuyên gia Kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, bà Trần Thu Trang cho biết, khảo sát của WB về mức ứng dụng công nghệ ở Việt Nam chỉ ra rằng, chỉ số doanh nghiệp SME chuyên đổi số của Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, đa phần các doanh nghiệp SME ở Việt Nam đều vướng phải những khó khăn như rào cản thông tin, các doanh nghiệp thiếu thông tin về công nghệ phù hợp, rào cản về khả năng thay đổi trong công ty hay rào cản tiếp cận vốn.

Từ những khảo sát thị trường, đại diện WB cho biết họ đã xây dựng dự án Digital SME nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp SME ở Việt Nam áp dụng công nghệ 4.0 vào quản lý và vận hành công việc.

Theo đó, thời gian thực hiện dự án dự kiến sẽ diễn ra trong 2 năm với 2 giai đoạn, giúp các doanh nghiệp với quy mô 10-100 nhân viên tiếp cận với ERP - một phần mềm quản trị doanh nghiệp cho phép các doanh nghiệp có thể thu thập, lưu trữ, quản lý và diễn giải những dữ liệu từ hoạt động kinh doanh của mình.

Khi các doanh nghiệp áp dụng phần mềm ERP thì họ có thể cải thiện quá trình trao đổi thông tin, phối hợp giữa những người lao động. Mặt khác, doanh nghiệp sẽ có được quy trình hành chính hiệu quả hơn, lên kế hoạch, chiến lược bán hàng và phục vụ khách hàng tốt hơn. Từ đó, góp phần tăng năng suất lao động, doanh số cũng như lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Về phương pháp triển khai dự án, Ngân hàng Thế giới sẽ đánh giá sức khỏe doanh nghiệp cho tất cả những doanh nghiệp tham gia vào giai đoạn đầu của dự án. Sau đó, WB sẽ lựa chọn doanh nghiệp tham gia vào 2 nhóm khác nhau là nhóm tăng tốc công nghệ và nhóm doanh nghiệp vàng về công nghệ. Cuối cùng, các chuyên gia của WB sẽ đánh giá các tác động của dự án lên doanh nghiệp khi dự án hoàn thành.

Về khung thời gian, dự án sẽ được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 kéo dài từ tháng 8/2021 - 7/2022 và giai đoạn 2 từ tháng 8/2022 - 7/2023.

Cụ thể, ở giai đoạn đầu tiên, Ngân hàng Thế giới sẽ lựa chọn các doanh nghiệp tham gia vào nhóm tăng tốc công nghệ. Toàn bộ doanh nghiệp trong nhóm này sẽ được tiếp cận hoàn toàn miễn phí với phần mềm ERP. Đến năm 2022, họ sẽ rút thăm lựa chọn thành viên cho nhóm doanh nghiệp vàng về công nghệ. Ở giai đoạn 2, Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ và tư vấn cho khoảng 20-100% doanh nghiệp đăng ký.

Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ tài chính, công nghệ cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp SME chuyển đổi một số phần quản lý sang hình thức số hóa nhằm tăng hiệu quả, năng suất cũng như doanh thu cho doanh nghiệp. Dự án Digital SME của Ngân hàng Thế giới có thể coi là một bệ đỡ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển dần sang mô hình quản lý và vận hành kỹ thuật số.

Linh Ngô

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên