MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WTO đã "lỗi thời" còn Hiệp định EVFTA sẽ là gợi ý cho một hướng đi mới?

Cao uỷ Thương mại EU Cecilia Malmström nhận định EVFTA là hiệp định hiện đại, phù hợp với thế kỷ 21. "Hiệp định có rất nhiều điểm mạnh để hướng đến tương lai", bà nhấn mạnh tại Đối thoại về Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA): Cơ hội cho doanh nghiệp sáng 1/7.

Chuyến tàu tốc hành về phương Đông

"Đây là hiệp định tốt nhất và đầy tham vọng mà EU đã ký với Việt Nam. Ngược lại, hai hiệp định này có ý nghĩa quan trọng trong hoàn thiện nền tảng hợp tác toàn diện của Việt Nam với châu Âu", Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nói.

Theo ông, với sự ký kết này, Việt Nam đã có thêm động lực mới trong tất cả các khía cạnh. Hiện nền kinh tế 95 triệu dân là đối tác có trình độ thấp nhất mà EU ký kết hiệp định định thương mại tự do.

"Chính phủ Việt Nam xác định 2 hiệp định với Liên minh châu Âu là hiệp định thế hệ mới, đặt ra nhiều thách thức yêu cầu với chúng tôi. Những yêu cầu này sẽ được Chính phủ đặt trọng tâm trong thời gian tới để hiệp định sớm được phê chuẩn tại Nghị viện châu Âu và Việt Nam vào cuối năm nay", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) nhắc lại ví von Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, coi hiệp định là tuyến đường cao tốc nối gần hơn nữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

"Chúng ta nối vòng tay lớn và tìm điểm neo giữ hai nền kinh tế khi chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, đó là thành tích lớn. Tôi nghĩ đây là cuộc đối thoại đông – tây, hai nền văn hoá, điển hình giữa nước phát triển và nước đang phát triển", ông Lộc nói.

Theo đó, sự bổ sung, tương hỗ giữa hai nền kinh tế sẽ mang lại lợi ích cho 600 triêu người dân Việt Nam và châu Âu.

"Hiệp định này mang ý nghĩa hành trình về phương Đông của doanh nghiệp EU", ông Lộc nói và cho biết nếu EU thành công trong việc hợp tác với Việt Nam, EU sẽ thuyết phục được cả thế giới.

Thông điệp mới cho thế giới

"Chúng tôi muốn trở thành nhà đầu tư lớn hơn nữa ở Việt Nam", bà Cecilia Malmström, Cao uỷ Thương mại EU nói.

Hiệp định EVFTA sẽ thay thế cho 21 hiệp định song phương Việt Nam có với các nước châu Âu, bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp thuộc khối này, hướng họ đầu tư mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế 95 triệu dân.

"Đây là hiệp định hiện đại, có hệ thống toà án thượng thẩm tương tự với Singapore và Canada, để giải quyết tranh chấp tốt so với toà án cũ. Nó phù hợp với thế kỷ 21", bà nói.

Việc ký kết với Việt Nam ngày hôm qua, 30/6, được bà Cecilia Malmström gọi là thông điệp gửi đến thế giới trong bối cảnh bảo hộ thương mại đang dâng cao. Theo bà, những người thuộc phái bảo hộ luôn đổ mọi trách nhiệm về khủng hoảng lên đầu của "thương mại", trong khi đó, họ lờ đi những nguyên nhân khác như công nghệ hay biến đổi của thị trường lao động.

"Có nhiều điểm mạnh từ hiệp định mới có thể chia sẻ đến tương lai", bà nói.

Mặt khác, bà Cecilia Malmström cũng đề cập đến những vấn đề mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang gặp phải. Những luật lệ của WTO hiện bị đánh giá lỗi lời, không xử lý được sự rối ren của thương mại trong bối cảnh xu hướng toàn cầu thay đổi nhanh chóng.

"Cần phải cải cách WTO, đảm bảo xử lý vấn đề mới như bảo hộ trái phép của các quốc gia, tránh chiến tranh thương mại, trả đũa lẫn nhau của thé quan", bà nói và cho rằng Hiệp định EVFTA với tính hiện đại, cập nhật của nó có thể là một ví dụ tham khảo tốt.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên