MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xã hội hóa để phát triển kho dự trữ xăng dầu

Cần nhiều hơn nữa kho dự trữ xăng dầu.

Cần nhiều hơn nữa kho dự trữ xăng dầu.

Theo Bộ Công thương, hệ thống kho dự trữ xăng dầu được phân bố trên cả nước. Tuy nhiên, hiện chưa có hệ thống kho riêng cho dự trữ quốc gia. Tổng mức dự trữ xăng dầu chỉ khoảng 65 ngày nhập ròng. Một số cơ sở vật chất được thiết kế theo các tiêu chuẩn cũ nên không đáp ứng, cần cải tạo, sửa chữa nhiều bảo đảm an toàn.

Trong khi đó quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-80 ngày nhập ròng, tiến tới đạt 90 ngày nhập ròng, đáp ứng tiêu chí của Tổ chức Năng lượng quốc tế; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt tối thiểu đáp ứng 15 ngày tiêu thụ.

Vai trò của nguồn lực xã hội hóa

Hiện dự trữ xăng dầu Việt Nam chỉ bảo đảm trong vòng một tuần. Giới chuyên gia phân tích, hệ thống dự trữ xăng dầu, khí đốt hoàn chỉnh theo quy hoạch thì cần một nguồn vốn lớn, có thể lên tới 270.000 tỷ đồng.

Hạ tầng dự trữ xăng dầu đảm bảo cung ứng đồng bộ, ổn định là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm nguồn cung, tránh xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng và mất an ninh năng lượng. Đại diện Bộ Công thương cho biết, vốn đầu tư hạ tầng kho xăng dầu thời gian qua đa số không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, mà chủ yếu là vốn của doanh nghiệp (DN). Cụ thể là 30% vốn của chủ đầu tư và 30% là vốn của các tổ chức tín dụng tài trợ.

Hiện nay theo thống kê, có trên 30 DN đầu mối, chiếm khoảng 98% quy mô sức chứa của hệ thống. Các DN có vốn nhà nước có tổng sức chứa khoảng trên 3 triệu m3, chiếm 63% tổng sức chứa, với chủ lực là Petrolimex, PVoil và Tổng công ty xăng dầu Quân đội. Các DN ngoài quốc doanh có tổng sức chứa khoảng gần 2 triệu m3, chiếm khoảng 37% tổng sức chứa.

“Vai trò của nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu khá quan trọng trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp. Trong quy hoạch hạ tầng cung ứng dự trữ xăng dầu 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bộ Công thương tiếp tục đưa ra những giải pháp về huy động vốn đầu tư nguồn lực xã hội. Còn nguồn lực của ngân sách nhà nước ngành sẽ ưu tiên tập trung cho khâu dự trữ quốc gia”- ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công thương) thông tin.

Doanh nghiệp tư nhân vẫn loay hoay

Hệ thống dự trữ xăng dầu có vai trò quan trọng bảo đảm nguồn cung phục vụ sự phát triển kinh tế- xã hội cũng như nhu cầu tiêu thụ của người dân, đặc biệt trong biến động thị trường hoặc xảy ra các tình huống bất ngờ. Tuy nhiên, thực tế, việc thu hút nguồn lực của DN trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu còn nhiều khó khăn.

Từ thực tế hoạt động của DN, ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP dầu khí Sơn Hải cho biết, hiện nay theo quy định của Nghị định 83 và Nghị định 95 trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các DN phải bảo đảm lượng xăng dầu dự trữ 20 ngày, nhưng thực tế các DN chỉ có lượng dự trữ được 6,5 ngày. Vì không được dự trữ đầy đủ nên nhiều khi DN gặp khó khắn bởi tình trạng đứt gãy nguồn cung.

“Có thời điểm các thương nhân phân phối xăng dầu muốn lấy hàng và mua hàng cũng không có nguồn vì phải phụ thuộc vào các DN đầu mối. Trong khi xăng dầu thuộc danh mục hàng hóa dự trữ quốc gia, sẵn sàng có sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường khi cần thiết, nên hiện nay việc dự trữ vẫn là nhà nước đang gửi các DN giữ hộ” - ông Hạnh nêu và cho rằng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống xã hội. Trong nước, về nhu cầu xăng dầu năm 2023, Bộ Công thương đưa ra 2 kịch bản, giao cho các DN đầu mối mua và nhập khẩu từ 25,9 - 26,7 triệu m3/ tấn xăng dầu, mức tăng từ 10 - 15% so với năm 2022. Để các DN kinh doanh xăng dầu có thể xây dựng được hệ thống dự trữ xăng dầu, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ việc đầu tư, xây dựng hệ thống. Hiện Nhà nước đang điều hành đầu vào giá theo thị trường nhưng giá đầu ra lại theo giá định hướng và còn duy trì quỹ bình ổn xăng dầu thì rất khó cho các DN về phương án tài chính, kinh doanh.

Cùng với đó, ông Hạnh phản ánh một năm trước, DN này có đi tìm đất làm kho dự trữ nhưng chi phí một năm lên tới 70 tỷ đồng tiền thuê đất là quá lớn. Ông Hạnh kiến nghị Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ đầu tư dự trữ xăng dầu. Cụ thể, có tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận đất đai làm kho.

Theo phản ánh từ các DN kinh doanh xăng dầu, để các DN có thể xây dựng được hệ thống dự trữ xăng dầu hiệu quả, nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ việc đầu tư xây dựng hệ thống.

Đặc biệt, để tạo cho DN tiếp tục thực hiện đẩy mạnh triển khai xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu góp phần đảm bảo nguồn cung thì về phía ngân hàng cần có những chính sách cụ thể để giúp DN như nới trần vay. Đối với các dự án đầu tư vay phải tính đến tài sản hình thành trong tương lai bởi xây xong kho dự trữ xăng dầu không có đánh giá thì các DN không còn vốn để tiếp tục làm. Đồng thời, có chính sách ưu đãi về lãi suất; chia sẻ và hỗ trợ về điều kiện thanh khoản thay vì từng năm một như hiện nay. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để các DN xăng dầu có thể duy trì được hoạt động và tồn tại.

Theo ông Vũ Thành Nam - Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), để đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu cần tiếp tục rà soát để có những chính sách phù hợp; Cần tăng cường thông tin tuyên truyền trong xã hội về tầm quan trọng của hạ tầng dự trữ xăng dầu để lựa chọn được nhiều nhà đầu tư, bảo đảm được năng lực, kinh nghiệm.

Mới đây, tại cuộc họp về quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh quy hoạch cần xác định, phân định rõ cấp độ trong hệ thống cung ứng, dự trữ xăng dầu, khí đốt (tư nhân, DN, quốc gia) để có cơ chế vận hành tương ứng với các tình huống biến động trên thị trường xăng dầu, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước hay khoán trắng cho DN.

"Hệ thống kho dự trữ tư nhân, DN phục vụ mục đích kinh doanh, thương mại hay dự trữ quốc gia phục vụ cho tình huống khẩn cấp phải được xác định rõ ràng về cơ chế quản lý, điều hành, điều phối bảo đảm đồng bộ, thống nhất; hài hoà lợi ích DN, Nhà nước, địa phương, người dân" - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống xăng dầu, dự trữ cung ứng khí đốt quốc gia đến năm 2030 lên tới khoảng 270.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này được huy động từ nhiều nguồn như DN, nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác liên quan đến tín dụng ngân hàng. Bà Hoàng Thị Thu Hà - Phó trưởng phòng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đầy đủ hành lang pháp lý để cho các tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở đánh giá dự án đó có khả thi, có khả năng trả nợ hay không mới quyết định cho vay.

Theo T.Hằng - P.Vân

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên