MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Xanh hóa" ngành dệt may hướng tới phát triển bền vững

Hiện nay, yếu tố “xanh” không còn là lựa chọn mà đang dần được luật hóa tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành dệt may Việt Nam.

Trong bối cảnh DN, ngành hàng xuất khẩu vẫn đối mặt với nhiều thách thức, những tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường, sản xuất xanh được xem là một trong những giải pháp dài hạn. Như với các DN trong ngành dệt may, đẩy nhanh tốc độ "xanh hóa" đang trở thành mục tiêu của ngành để tìm kiếm đơn hàng.

Theo thống kê, 8 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may đạt hơn 27 tỷ USD, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm như Hoa Kỳ giảm hơn 22%; EU giảm khoảng 12%; Hàn Quốc giảm 3%... Bên cạnh sự sụt giảm về đơn hàng bởi tác động của kinh tế, trong cam kết của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đều có các quy tắc, cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp.

"Xanh hóa" ngành dệt may hướng tới phát triển bền vững - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may 8 tháng giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái

"Xanh hóa" ngành dệt may là xu thế toàn cầu, không chỉ riêng tại Việt Nam. Hiện nay, yếu tố “xanh” không còn là lựa chọn mà đang dần được luật hóa tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của dệt may Việt Nam. Nếu như trước đây, các tiêu chuẩn này chỉ liên quan đến hoá chất, thuốc nhuộm được sử dụng trên nền tảng vải, thì giờ đây là yêu cầu bao nhiêu phầm trăm từ nguyên liệu tái chế, bao nhiêu phầm trăm có thể tuần hoàn, tuổi thọ của sản phẩm có dài hay không…

Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, Tập đoàn Dệt may Việt Nam xác định phát triển bền vững sẽ là một câu chuyện về chiến lược đường dài, không thể một sớm một chiều, ngay lập tức chuyển đổi toàn bộ. Do đó, DN phải bám rất sát theo yêu cầu của khách hàng, cũng chính là yêu cầu của thị trường.

“Những thách thức nhưng cũng đặt ra những cơ hội, nếu chúng ta bắt kịp được sẽ nâng cao giá trị trên mỗi đầu lao động. Đối với ngành dệt may, lao động phổ thông có thể giảm đi nhưng những lao động có chất lượng phải tăng lên, đáp ứng được yêu cầu mới về phát triển bền vững. Để làm được những sản phẩm xanh, yêu cầu theo thiết kế sinh thái mới đó cũng là cơ hội, vì cơ hội xuất phát từ trong những thách thức. Dệt may phải xác định phát triển bền vững là một xu thế không thể đảo ngược, từ đó chủ động nắm bắt để cố gắng bắt nhịp cùng với thị trường, bắt sớm quá cũng sẽ không hiệu quả, nhưng phải bắt đúng”, ông Vương Đức Anh nói.

Yêu cầu về bền vững và cạnh tranh đã thúc đẩy các DN dệt may Việt Nam chuyển đổi xanh. Trên thực tế, nhiều DN đã định hướng phát triển bền vững từ nhiều năm trước. Cụ thể như Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã đầu tư cho nghiên cứu và phát triển kinh doanh, tạo ra những sản phẩm mới có tính năng đặc thù, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hay như nhà máy Dệt Bảo Minh được đầu tư nhiều thiết bị công nghệ cao, triển khai Giải pháp tích hợp các hệ thống điều hành mang lại hiệu quả và sự chính xác, đồng bộ cho hoạt động sản xuất.

"Xanh hóa" ngành dệt may hướng tới phát triển bền vững - Ảnh 2.

Yêu cầu về bền vững và cạnh tranh đã thúc đẩy các DN dệt may Việt Nam chuyển đổi xanh

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, các DN dệt may đang đẩy mạnh đầu tư, có những hành động thiết thực cho một tương lai "xanh". Trong tầm nhìn đến 2050, “số hoá” và “xanh hoá” là xu thế tất yếu của ngành dệt may. VITAS xác định “xanh hóa” là tất yếu đòi hỏi sự xuyên suốt được phát động cũng như khuyến cáo các DN trong những năm vừa qua. Hiện nhiều DN dệt may đã đầu tư vào hạ tầng, môi trường và năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, áp mái...

“Hầu hết các DN may, sợi, dệt nhuộm đạt được các chuẩn mực trong Luật môi trường của Việt Nam cũng như đánh giá của khách hàng quốc tế. Xanh hóa liên quan đến khả năng đánh giá, nhận xét của các tổ chức quốc tế và các nhà đánh giá. Dệt may đã đạt các chuẩn mực môi trường, môi trường làm việc của người lao động, tới đây tỷ trọng này ngày càng tăng sẽ thúc đẩy bước phát triển cho đầu tư”, ông Giang kỳ vọng.

Trong bối cảnh sụt giảm đơn hàng, để nâng cao tính cạnh tranh, tiếp tục duy trì hoạt động và phát triển, các DN dệt may phải đi theo con đường sản xuất bền vững. Điều này không chỉ giảm phát thải, mà còn giúp DN nâng cao sức cạnh tranh, nhất là tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Theo Bá Toàn

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên