MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, xoá nhà tạm, nhà dột nát

04-12-2023 - 15:30 PM | Bất động sản

Nghị quyết 42 xác định rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030 xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng...

Con người là trung tâm của chính sách xã hội

Sáng 4/12, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Dành thời gian phân tích chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về một số lĩnh vực trụ cột, Thủ tướng nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng xác định rõ 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng; trong đó nguồn nhân lực được xác định là yếu tố then chốt cho phát triển bền vững.

Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, xoá nhà tạm, nhà dột nát - Ảnh 1.

trao đổi tại hội nghị. Ảnh Như Ý

Theo Thủ tướng, tất cả các yếu tố nền tảng nêu trên đều liên quan đến con người, đến nhân dân. Nguyên tắc xuyên suốt: Con người là trung tâm của chính sách xã hội - tất cả vì con người, vì nhân dân. Lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần

Thủ tướng khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, chúng ta đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra.

Trong đó, đối tượng người có công với cách mạng được mở rộng với chế độ và chính sách ưu đãi phù hợp. Hiện có trên 1,2 triệu người có công và thân nhân đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng; 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình trên địa bàn.

Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng hằng năm và đạt 3,3 triệu người năm 2022. Trong 3 năm phòng, chống dịch COVID-19, đã hỗ trợ với số tiền trên 120.000 tỷ đồng và trên 200.000 tấn gạo hỗ trợ cho trên 68 triệu lượt người dân, người lao động gặp khó khăn.

Tỉ lệ hộ nghèo từ gần 60% vào năm 1986 giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2022.

Sau khi phân tích về nguyên nhân của những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập, một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới thời gian tới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Thủ tướng cho biết, tốc độ già hóa dân số tăng nhanh đặt ra những thách thức lớn trong bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi và nguồn cung lao động. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bối cảnh mới và thực tiễn quản lý phát triển xã hội đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện, xây dựng chính sách an sinh xã hội toàn diện hơn, đa tầng hơn, hiện đại hơn, bao trùm và bền vững hơn, bảo đảm an sinh, an ninh, an dân, nhất là trước những cú sốc và nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, xoá nhà tạm, nhà dột nát - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh Như Ý

Thí điểm xóa bỏ nhà tạm tại Hà Giang, Cao Bằng

Về những nội dung chính của Nghị quyết 42 , Thủ tướng đồng thời chỉ rõ những điểm mới nổi bật của Nghị quyết này.

Về phạm vi, Nghị quyết 42 đã mở rộng ra toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn dân, toàn diện, bao gồm 5 nhóm: Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; Chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực; Chính sách bảo đảm an sinh xã hội; Chính sách về nâng cao phúc lợi xã hội và bảo đảm tiếp cận dịch vụ xã hội; Chính sách đối với nhóm yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.

Nghị quyết 42 đưa ra 4 nhóm quan điểm vừa có tính kế thừa, phát huy, vừa có tính đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Về mục tiêu và tầm nhìn, Nghị quyết 42 xác định rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng; hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế. Đồng thời, đưa ra 37 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030.

Nghị quyết xác định tầm nhìn đến năm 2045: Hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới.

Thủ tướng chỉ rõ một số điểm trọng tâm cần lưu ý trong Nghị quyết 42: Tập trung xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, bền vững và hội nhập (bảo đảm việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực). Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, văn hoá, thông tin, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường.

Về xây dựng nhà ở xã hội , đáng lưu ý là Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030; xoá bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai…

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang triển khai thí điểm việc này tại Hà Giang, Cao Bằng và phấn đấu trong nhiệm kỳ này sẽ hoàn thành việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát.

Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên