MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu trở thành động lực phát triển của tỉnh biên giới Lạng Sơn

Với sự ra đời của Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tình hình giao thương, buôn bán giữa hai nước Việt- Trung có những khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Sự hợp tác giữa Lạng Sơn và Quảng Tây, Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội ở xứ Lạng.

Ngày 15/5/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Kết luận số 74-KL/TU về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU, ngày 03/4/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo triển khai, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (viết tắt là Khu KTCK).

Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được thành lập và hoạt động trên cơ sở Quyết định số 1601/QĐ-TTg ngày 07/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó Khu KTCK có diện tích 394 Km2 được phân thành hai khu chức năng chính là khu phi thuế quan và khu thuế quan.

Trong Khu KTCK có 02 cửa khẩu quốc tế (Hữu Nghị - đường bộ và Ga Đồng Đăng - đường sắt), 03 cửa khẩu phụ (Tân Thanh, Cốc Nam, Pò Nhùng) và có các khu chức năng chính như: Khu trung chuyển hàng hóa; Khu chế xuất 1, Khu phi thuế quan. Trong giai đoạn 2016 – 2020, Khu KTCK được Chính phủ lựa chọn là một trong 09 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển và giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục được lựa chọn là một trong 08 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển.

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu trở thành động lực phát triển của tỉnh biên giới Lạng Sơn - Ảnh 1.

TBT Nguyễn Phú Trọng thăm và tặng quà động viên lực lượng làm nhiệm vụ ở cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh:

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng ban Khu KTCK Đồng Đăng- Lạng Sơn chia sẻ: Lạng Sơn đã và đang trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hoá lớn của Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc và ngược lại. Xác định phát triển kinh tế cửa khẩu nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn.

Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn luôn xác định phát triển KTCK là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, điều hành. Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng các Chương trình hành động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, trong đó xác định“Tiếp tục tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh” vẫn là một trong bốn chương trình trọng tâm phát triển kinh tế của tỉnh.

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu trở thành động lực phát triển của tỉnh biên giới Lạng Sơn - Ảnh 2.

Đoàn cán bộ của Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn gặp, hội đàm với cơ quan hữu trách của Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: PV

Với nhiều giải pháp tích cực, kịp thời, cùng với sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn Tỉnh, Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, bình quân giai đoạn 2013 - 2022 tăng 7,84%/năm; GRDP của Khu KTCK (giá hiện hành) năm 2013 đạt 7.172,1 tỷ đồng và đến năm 2022 đạt 16.574 tỷ đồng, tăng 9.402 tỷ đồng so với năm 2013. Trong đó, ngành có mức tăng trưởng cao nhất là ngành công nghiệp - xây dựng (tăng 10,51%), tiếp đến là ngành dịch vụ có mức tăng trưởng là 7,36%, ngành có mức tăng trưởng thấp nhất là ngành nông nghiệp tăng trưởng 2,82%/năm.

Khu KTCK đã đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP tỉnh, năm 2022 đạt mức 39,95%. Cơ cấu kinh tế trong Khu KTCK chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành dịch vụ và ngành công nghiệp - xây dựng tăng dần và ngành nông lâm nghiệp giảm dần, phù hợp với xu thế chung của tỉnh cũng như cả nước. Tổng thu ngân sách trong Khu KTCK giai đoạn 2013 - 2022 đạt trên 69.411 tỷ đồng (thu nội địa đạt 23.824 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 45.586 tỷ đồng), trong đó thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu liên tục tăng qua các năm, giai đoạn 2013 - 2022 tại 04 cửa khẩu trong Khu KTCK thu đạt 4.559/5.594 tỷ đồng, chiếm trên 81,5% số thu trên toàn bộ các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, góp phần bổ sung nguồn để đầu tư những dự án trọng điểm xây dựng kết cấu hạ tầng trong Khu KTCK.

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu trở thành động lực phát triển của tỉnh biên giới Lạng Sơn - Ảnh 3.

Trao đổi với cơ quan chức năng Trung Quốc tại cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn) .

“Khu KTCK đã góp phần quan trọng cho phát triển và tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh, tác động tích cực đến sự phát triển của các khu vực khác; thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng, tăng cường quan hệ đối ngoại, tăng thu ngân sách, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân”, ông Hoàng Khánh Duy nhấn mạnh.

Với những cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành cùng với nhiều giải pháp được triển khai thực hiện; hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại 5 cặp cửa khẩu trọng điểm, chủ lực (Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan; Tân thanh - Pò Chài; Chi Ma - Ái Điểm; Ga Đồng Đăng - Ga Bằng Tường; Cốc Nam – Lũng Nghịu). Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa diễn ra cơ bản thuận lợi, hiện tại lưu lượng phương tiện chở hàng hóa xuất, nhập khẩu thông quan qua các cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh trung bình đạt trên 1.100 lượt xe/ngày, cao điểm lên tới trên 1.300 lượt xe/ngày.

Quan hệ giao lưu hợp tác giữa tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của Lạng Sơn, đặc biệt là Khu KTCK sẽ là điểm nối quan trọng trong hợp tác phát triển liên vùng với thủ đô Hà Nội và các tỉnh có tốc độ tăng trương kinh tế cao.

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu trở thành động lực phát triển của tỉnh biên giới Lạng Sơn - Ảnh 4.

Cán bộ Trung tâm quản lý cửa khẩu phát nước miễn phí cho du khách tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh:

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu trở thành động lực phát triển của tỉnh biên giới Lạng Sơn - Ảnh 5.

Hàng hóa thông quan qua cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn. Ảnh:

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng ban Khu KTCK Đồng Đăng- Lạng Sơn cho biết thêm: Thời gian tới cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp: Thông qua việc đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, thương mại tự do, cửa hàng miễn thuế, kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái. Phát triển các loại hình dịch vụ gắn với KKT cửa khẩu, trọng tâm là dịch vụ logistics, đại lý hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn.

Đồng thời, khuyến khích phát triển một số loại dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao. Tiếp tục thực hiện hiệu quả, toàn diện ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) để vừa tạo thuận lợi cho phát triển KKT cửa khẩu, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường hội đàm, trao đổi, đàm phán để tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về chính sách xuất nhập khẩu hàng hoá, khai thác, tìm kiếm thị trường xuất khẩu hàng hoá.

Đặc biệt triển khai xây dựng mô hình “Cửa khẩu kiểu mẫu” tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan và vận hành “Luồng xanh” thông quan nhanh hàng nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh. Thực hiện các thủ tục đưa tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 vào hoạt động chính thức và trở thành lối thông quan thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan; triển khai xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh. Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch; hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các khu vực cửa khẩu. Huy động nguồn vốn để đẩy mạnh hoạt động đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu và biên giới, triển khai đầu tư theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất hàng xuất khẩu; hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong KKT cửa khẩu.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tăng cường cải cách hành chính, nhất là các thủ tục liên quan quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, đầu tư… theo hướng đơn giản, hiện đại, có sự phối hợp và liên kết bằng công nghệ thông tin giữa cơ quan quản lý tương ứng của Việt Nam và Trung Quốc. Hoàn thiện Chương trình phát triển kinh tế số. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.

Bên cạnh đó tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, bảo đảm chủ quyền biên giới quốc gia, tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về xuất nhập cảnh. Tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng Biên phòng, Công an, Hải quan và giữa các lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu hai nước. Thực hiện đồng bộ các biện pháp trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả.

“Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn đã góp phần quan trọng cho phát triển và tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh, tác động tích cực đến sự phát triển của các khu vực khác; thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Việt- Trung”, ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng ban KTCK Đồng Đăng- Lạng Sơn

Theo PV

Tiền Phong

Trở lên trên