MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xe bus: Làm sao bước qua vòng luẩn quẩn vắng khách, thua lỗ?

Từ nhiều năm nay, xe bus tại các thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM luôn ở trong vòng luẩn quẩn: xe cũ kỹ lạc hậu, vắng khách, thua lỗ trợ giá…

Từ nhiều năm nay, xe bus tại các thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM luôn ở trong vòng luẩn quẩn: xe cũ kỹ lạc hậu, vắng khách, thua lỗ trợ giá…

Từ nhiều năm nay, xe bus tại các thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM luôn ở trong vòng luẩn quẩn: xe cũ kỹ lạc hậu, vắng khách, thua lỗ trợ giá…

Những con phố mới của Hà Nội, dù được mở rộng, giờ tan tầm vẫn chất đầy phương tiện, chen lấn, nhích từng bước, giữa mịt mù khói bụi. Dù vận tải xe bus đã được phát triển rất sớm, thế nhưng, chỉ khoảng chưa đầy 10% cư dân đô thị này lựa chọn xe bus. Lý do thì nhiều, nhưng tựu chung lại là sự chậm đổi mới của địa phương trong phát triển loại hình giao thông công cộng- xe bus.

Thực trạng này đã diễn ra cả chục năm nay. Sau giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19, cùng tác động của đợt tăng giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp vận tải xe buýt bị đẩy vào tình thế hết sức khó khăn.

Nói như ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam: Xe bus hiện đang đứng trong vòng xoáy luẩn quẩn, hành khách thì quay lưng, nhiều người sau dịch đã dần quen với việc đi xe cá nhân nên muốn phục hồi lại càng khó khăn hơn. Nếu càng ít khách đi thì trợ giá cho các doanh nghiệp xe buýt lại bị giảm xuống, doanh nghiệp càng khó tìm ra khoản chi để đổi mới phương tiện và đầu tư cho hạ tầng, thậm chí chi lương cho cán bộ nhân viên còn khó khăn.

Đã có nhiều công ty xe buýt phản ánh lỗ. Thật ra, sau câu chuyện lỗ còn dấu hỏi nhưng xin khẳng định còn khó khăn lắm. Có nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM bỏ bến. Họ chưa từ chối như các doanh nghiệp ở Hà Nội đâu nhưng họ bỏ từng chuyến. Họ tiết giảm chi phí. Nó trở thành cái vòng luẩn quẩn và như vậy dịch vụ xe buýt chất lượng ngày càng giảm đi và hành khách lại càng từ chối. Mọi sự ưu đãi từ Nhà nước, từ các thành phố rồi công tác tuyên truyền cho người dân đi xe buýt cảm thấy chưa thỏa đáng. Đây là khó khăn lớn hiện nay mà ta cần đề nghị với Nhà nước, đề nghị với hai thành phố lớn có những chính sách để giải quyết tốt hơn.

Công bằng mà nói, bên cạnh ưu thế rẻ, tránh được mưa nắng trong cả quãng đường dài, vẫn còn những vấn đề khiến xe buýt chưa hấp dẫn: Xe cũ, xả khói mù mịt, đôi khi còn tình trạng phụ xe, lái xe chưa cư xử đúng mực với hành khách; nhiều lái xe chạy zic zắc, thậm chí vượt cả đèn đỏ.

Một nguyên nhân khách quan nữa là việc quản lý bến bãi, vỉa hè lòng đường tại các đô thị hiện nay chưa tốt dẫn đến chậm đổi mới giao thông công cộng, ảnh hưởng ngay đến vận hành xe buýt, khiến phương tiện này chưa thể phát triển nhanh được.

Việc phát triển ồ ạt phương tiện giao thông cá nhân hai chục năm qua để lại nhiều hệ lụy: Ùn tắc và ô nhiễm. Trong khi metro, tàu điện trên cao quá chậm chạp. Nhiều địa phương đều “rối như canh hẹ” trong việc hạn chế phương tiện cá nhân, nhưng lại chưa tìm ra biện pháp phù hợp để xe buýt phát triển. Trong khi đó, chưa nhiều người đề cập: Sự hạn chế trong quy hoạch đô thị mới là thủ phạm khiến xe bus vào vòng xoáy luẩn quẩn.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, đừng đổ tại xe buýt to làm tắc đường, cần nghiêm túc xử lý quy hoạch đô thị rõ ràng, thậm chí phá bỏ những nhà cao tầng làm ách tắc giao thông, sau đó mới đến tổ chức giao thông. Làm tốt việc này rồi mới đến việc đầu tư hạ tầng giao thông một cách bài bản để doanh nghiệp vào cuộc bằng cơ chế khuyến khích, trợ giá, đấu thầu minh bạch.

TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng: "Quy hoạch giao thông thì việc phân luồng tuyến bến bãi phải rõ ràng. Xe buýt không được xung đột với các loại hình giao thông khác, xe buýt phải nằm trong luồng tuyến của các loại hình khác thì mới có nhiều giá trị. Nhà nước phải phổ biến pháp luật để ủng hộ chính sách về xe buýt, giữa xe chạy xăng dầu và điện. Cần nghĩ đến người dân và dân cư khu vực nào thì các chính sách cần thông qua ý kiến của người dân, hiệp hội… Nếu làm chính sách kiểu cứ đút chân vào gầm bàn đưa ra chính sách là cưỡng bức".

Rõ ràng, phát triển xe bus thành phương tiện vận tải chủ lực của các đô thị có nghĩa là mỗi địa phương cần nghiên cứu đề án xe buýt của riêng mình và tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp đầu tư. Một việc làm không thể thiếu là phải nghiên cứu nhu cầu đi lại của người dân để tổ chức đấu thầu và kêu gọi các doanh nghiệp vận tải tham gia. Những tuyến kém phải yêu cầu doanh nghiệp đổi mới và cải thiện dịch vụ, nếu hết thời hạn không thực hiện thì thu hồi để các doanh nghiệp uy tín tham gia.

Ông Đào Viết Ánh, Giám đốc Công ty vận tải Phương Trang, một doanh nghiệp rất thành công trong vận tải xe bus nêu ý kiến: "Hiện tại một số địa phương chỉ định thầu nhưng không có bộ tiêu chí và thời hạn cụ thể. Một số còn sai trong bộ tiêu chí và bắt doanh nghiệp tham gia. Tôi ủng hộ đưa ra đấu thầu công khai minh bạch và bộ tiêu chí chất lượng dịch vụ để người dân biết và chấp nhận chất lượng dịch vụ. Đừng bao cấp xin cho nữa để doanh nghiệp tự quyết định chất lượng dịch vụ, người dân cũng tự quyết định, chất lượng cao thì giá cao mà chất lượng vừa thì vừa tiền".

Không thể đổ lỗi cho xe bus, cũng không thể đổ lỗi cho người dân chưa ủng hộ phương tiện công cộng, chừng nào các địa phương xây dựng được cho mình một chiến lược phát triển giao thông tổng thể từ chính nhu cầu đi lại của người dân và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, khi đó xe bus mới thoát được vòng luẩn quẩn “vắng khách, thua lỗ”./.

Theo Mỹ Hà

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên