Xe công nghệ vẫn nhộn nhịp
Dù đã đào thải rất nhiều đại gia nhưng thị trường gọi xe công nghệ vẫn hấp dẫn những tân binh có tiềm lực mạnh.
- 26-06-2019Gắn mào xe công nghệ: Lo ngại bùng phát 'taxi dù'
- 25-06-2019Dự thảo quản lý xe công nghệ lần 9: Còn nhiều bất cập?
- 25-05-2019Quản không xuể xe công nghệ
Ứng dụng gọi xe MyGo của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) không ngần ngại ra mắt thị trường vào ngày 1-7 vừa qua, khi sức nóng của ứng dụng Be với hàng loạt ưu đãi "khủng" để cạnh tranh, lôi kéo khách hàng chưa giảm và ông lớn Grab vẫn đang thao túng sân chơi này.
Nơi mất hút, chỗ chịu lỗ để tính đường dài
Khi Uber "bán mình" cho Grab và rút khỏi thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sang, Tổng Giám đốc Công ty CP T.Net, đã từng hồ hởi tuyên bố "Nam tiến" sau khi khá thành công tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Thậm chí, kế hoạch mở văn phòng đại diện tại TP HCM và ngày khai trương tại thị trường sôi động này cũng đã được ông chủ T.Net ấn định. Tuy nhiên, kế hoạch này không thể thực hiện được bởi T.Net phải "né" 2 đối thủ gọi xe 2 bánh đang đấu nhau nảy lửa là Grab và GoViet. Kết cục, tại thị trường TP HCM, T.Net vẫn duy trì hoạt động nhưng chỉ tập trung vào mảng gọi xe 4 bánh. "T.Net vốn yếu nên không thể đối đầu với các hãng lớn mà phải tìm hướng đi riêng. Hiện đơn vị có hơn 20.000 đối tác, chủ yếu là xe 4 bánh" - ông Sang thừa nhận.
Dù cạnh tranh khốc liệt, hiệu quả kinh tế vẫn còn mù mờ nhưng thị trường gọi xe công nghệ vẫn hấp dẫn nhiều doanh nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH
Thê thảm hơn, Aber chỉ sau một thời gian ngắn khởi động từ giữa năm ngoái cũng đã phải ra thông báo tạm ngưng để tái cơ cấu hoạt động cho phù hợp với tình hình mới. Nhưng tới nay, thị trường vẫn chưa thấy động tĩnh từ Aber. Tương tự, Go-ixe từng tuyên bố có cả ngàn xe đang hoạt động song khi vào ứng dụng của hãng này để đặt xe thì không tìm được tài xế.
Hay ứng dụng gọi xe MVL (Singapore) được đại diện tại Việt Nam thông báo thí điểm triển khai tại Singapore và Việt Nam trong tháng 6-2018, sau đó một tháng sẽ triển khai chính thức mà cũng không thực hiện được. Cuối cùng, dù đại diện hãng tiếp tục hứa sẽ triển khai vào cuối năm 2018 nhưng đến giữa năm 2019, hãng này vẫn chưa xuất hiện tại Việt Nam. Tương tự, các hãng xe truyền thống như Mai Linh, Phương Trang dù tự tin triển khai dịch vụ gọi xe công nghệ vẫn không thể phát triển được.
Ưu thế nhờ... lỗ ít
Dù mới có mặt trên thị trường từ cuối năm ngoái song đến bây giờ, ứng dụng gọi xe Be của Công ty CP Be Group đang đi những bước tiếp theo trong mục tiêu lập hệ sinh thái tài chính công nghệ. Ngoài triển khai chương trình bảo hiểm cho tài xế, thanh toán qua thẻ, ví điện tử…, dự kiến vào tháng 8-2019, Be sẽ triển khai thêm phân khúc giao hàng, cạnh tranh với những ứng dụng khác trên thị trường như Grab, GoViet… Be cũng được đánh giá là ứng dụng được lòng khách hàng khi có hơn 4 triệu lượt tải trên thiết bị di động với gần 40.000 đối tác tài xế sau 7 tháng hoạt động. Tuy nhiên, những bước đi thuận lợi này không đồng nghĩa với việc ứng dụng này có lãi. Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Be Group, thừa nhận Be vẫn đang lỗ và cũng cho rằng với mô hình kinh doanh này, việc lỗ vài năm là bình thường. "Ngay từ ngày ra mắt, Be đã xác định cuộc chơi này phải lỗ và mức lỗ có thể lên đến vài ngàn tỉ đồng. Cái được của chúng tôi lúc này là đang lỗ ít hơn so với kế hoạch" - ông Hải nói thêm.
Đối thủ mới nhất trên thị trường này là MyGo lại thể hiện sự tự tin rất lớn với ưu thế về lực lượng bưu tá và mạng lưới chuyển phát toàn quốc đã có sẵn. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Viettel Post, cho biết MyGo sẽ triển khai đồng loạt tại 63 tỉnh, TP trên cả nước, điều mà không ứng dụng nào làm được. "Dịch vụ giao hàng kết hợp chở người, dịch vụ xe tải… là điểm khác biệt so với các ứng dụng trên thị trường và sẽ là lợi thế cạnh tranh của chúng tôi. Thị trường đã được khai phá và chúng tôi sẽ tận dụng tối đa lợi thế của người đi sau để tạo cho mình một cú bứt phá bằng việc đầu tư mạnh vào cả công nghệ lẫn logistics với khoảng 8.300 điểm nhận, chuyển" - ông Hưng tự tin.
Ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nhận xét về cơ bản, thị trường ứng dụng gọi xe của Việt Nam còn khá màu mỡ, bởi Grab mới triển khai được một số vùng thử nghiệm, còn Be, FastGo chưa có đủ nguồn cung xe cho thị trường. Mặt khác, chất lượng dịch vụ cũng như cách thức quản lý và mô hình vận hành nhìn chung vẫn còn nhiều tranh cãi. "Cơ hội cho một nền tảng mới vẫn còn nhưng chiến lược chiếm lĩnh thị trường có thể sẽ phải khác chứ không thể cứ mãi "đốt" tiền được" - ông Bình cảnh báo.
Bình luận về sự xuất hiện của MyGo, ông Bình cho rằng khi tham gia thị trường này, Viettel Post có sự hậu thuẫn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nên sẽ có ưu thế rất lớn về thương hiệu, độ phủ của các hệ sinh thái dịch vụ viễn thông, bưu chính của tập đoàn. "Riêng đội giao hàng của Viettel Post tại các bưu cục đã là lực lượng tài xế đáng kể, còn số lượng lớn khách hàng dịch vụ nhỏ lẻ của Viettel Post chính là khách hàng tiềm năng" - ông Bình nhận xét.
Nhiều chuyên gia nhận định cạnh tranh trên thị trường gọi xe vẫn là cuộc chiến dài hơi. Ông Trương Võ Tuấn, sáng lập viên một hệ sinh thái thương mại điện tử, nhận định khi Uber rời khỏi Việt Nam, Grab có một thời gian ngắn chiếm thế độc quyền. Nhưng không lâu sau, không chỉ GoViet xuất hiện mà còn nhiều ứng dụng khác ra đời, chia sẻ khách hàng với Grab. Tuy không ít ứng dụng phải âm thầm rút lui sau khi hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn có nhiều ứng dụng tồn tại được nếu trường vốn, tiềm lực mạnh.
Cạnh tranh gay gắt bằng ưu đãi
Các hãng đang cạnh tranh gay gắt bằng cách vừa thường xuyên tặng gói ưu đãi cho khách hàng vừa tạo thu nhập tốt cho tài xế. Theo đó, dù tài xế một số hãng bị áp chiết khấu cao hơn trước nhưng cũng được hưởng mức thưởng đáng kể để bảo đảm thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày đối với tài xế xe ôm. Hình thức thưởng dựa trên quy định số chuyến chạy mỗi ngày nên tài xế đua nhau chạy bất kể chuyến xa - gần để lấy thưởng. Với khách hàng, các hãng ưu đãi lớn cho cả hình thức thanh toán qua thẻ lẫn trả tiền mặt từ 30%-50%.
Người lao động