Xe công: Vì sao “nuôi” đắt, bán rẻ
Ủng hộ chủ trương khoán xe công nhưng các chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính đã mạnh tay thì hãy làm triệt để, đừng nửa vời. Đặc biệt, cần tăng cường giám sát vì mức giá trung bình 46,2 triệu đồng/xe cho 761 xe đã bán trong năm 2016 là “quá bèo bọt”.
- 10-03-2017Cơ quan nhà nước vẫn cố 'ôm' xe công
- 09-03-2017Sửa đổi quyết định khoán kinh phí xe công theo hướng bắt buộc
- 09-03-2017Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ khoán xe công
Khoán cao hơn giá taxi
Trao đổi với báo Lao Động ngày 9.3, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, chủ trương bắt buộc khoán xe công là đúng. Về mức khoán, ông Long nhận định đã tiết kiệm thì hãy làm một cách triệt để chứ đừng nửa vời. Chi phí trung bình nuôi một chiếc xe khoảng 320 triệu đồng/năm là quá cao nên cần mạnh tay giảm xuống. Do đó, định mức thế nào cho hợp lý không nên để “đáng lẽ tiết kiệm được 3 thì mới làm có 1,2”. Nhận xét về mức khoán 16.000 đồng/km, chuyên gia này cho rằng quá cao so với giá thị trường vì loại xe taxi tốt giá cũng chỉ 12.000 đồng/km như vậy là cao hơn 30%. “Đã là quan chức cao cấp phải gương mẫu, chứ định mức khoán tăng so với giá thị trường nhiều như vậy là không nên”, chuyên gia này thẳng thắn.
Cùng quan điểm, một chuyên gia khác nhận định việc đưa mức khoán 6,5 triệu đồng/tháng vào lương như đề xuất của Bộ Tài chính còn chưa hợp lý vì như thế là cào bằng, không nên, trong khi hoàn toàn có thể tính toán cho từng người để xác định chính xác.
Trong khi đó, trả lời báo giới, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho hay, chưa thể đưa ra con số tiền dự kiến sẽ tiết giảm được khi bắt buộc khoán xe công. Liên quan mức khoán đề xuất, ông Thắng cho biết đã nhẩm tính từ thực tiễn và “đưa ra con số tương đối phù hợp xem ý kiến các bộ ngành, địa phương rồi tính tiếp”.
Về ý kiến áp giá 16.000 đồng/km là quá cao, ông Thắng lý giải là do tính theo tiêu chuẩn của xe đang sử dụng với giá trị 920 triệu đồng cho tiêu chuẩn thứ trưởng và cho rằng với mức này cũng đã tiết kiệm được một nửa chi phí nuôi xe 320 triệu đồng/năm và khiến cả nhà nước lẫn người nhận khoán đều được hưởng lợi. Ông Thắng cho biết thêm, giá này đưa ra để phòng trước chuyện xăng dầu tăng giá để sang năm có áp dụng thì không phải sửa lại, và đây mới là phương án dự kiến.
Bán xe công giá... sắt vụn
Vấn đề thanh lý xe công cũng đang là câu chuyện khiến dư luận đặc biệt quan tâm là khi giá trung bình của 761 xe đã bán trong năm 2016 như công bố của Bộ Tài chính chỉ ở mức 46,2 triệu đồng/xe.
Mức giá “bèo bọt” này khiến nhiều người đặt câu hỏi dù đại diện Bộ đã lý giải rằng nhiều xe có thời gian sử dụng 20 đến 30 năm, có xe không vận hành được và bán dưới dạng sắt vụn. Trả lời phóng viên, Cục trưởng Cục quản lý Công sản cho biết, bản thân ông khi thấy có xe Lada của Nga bán hơn 6 triệu đồng, thấy nghi ngờ và đã trực tiếp thuê một đơn vị khác định giá nhưng “cũng chỉ được thế vì xe gần như là sắt vụn”.
Cách lý giải này khiến một số chuyên gia đặt vấn đề về lỗ hổng trong quản lý. Cụ thể, chuyên gia Ngô Trí Long khẳng định, mức giá 46,2 triệu là quá bèo bọt vì xe mua dạng ngân sách thường là loại tốt, chi phí duy tu bảo dưỡng cao, nhưng khi thanh lý giá lại quá thấp. Chuyên gia này cho rằng, dễ có thất thoát lớn vì nhiều vấn đề trong chuyện tổ chức đấu thầu, định giá. “Việc định giá đã sát với thị trường chưa, tổ chức đấu giá công khai minh bạch chưa, ngày kia đấu giá mà mai mới thông báo thì ít người tham gia, giá chẳng thể cao” chuyên gia này nhận định.
Cùng quan điểm, lãnh đạo một hãng taxi cho rằng, giá bán trên là có vấn đề vì xe taxi loại bình dân như Kia Morning, chạy dăm năm, cũng bán được cả trăm hoặc mấy trăm triệu đồng, trong khi “xe nhà nước mua giá cao, loại tốt, bảo dưỡng đầy đủ mà chỉ bán có mấy chục triệu đồng là khó hiểu”.
Phân tích nguyên nhân xe công thanh lý giá thấp, một chủ showroom buôn xe cũ cho biết, phần lớn xe thanh lý đều bán theo lô, thông tin ít người biết nên thường đã “nhắm” sẵn người bán, dân thường hoặc DN không có quan hệ muốn mua cũng khó.
Qua tìm hiểu, phóng viên nhận thấy các thông báo đấu giá xe công không có nhiều trên mạng Internet và rất khó để tìm ra kết quả đấu giá xe thanh lý. Thời gian ra thông báo và thời gian nộp hồ sơ tham gia thầu thường gần nhau và phần lớn là bán theo lô. Đơn cử, cuối năm 2016, Sở Tài chính Hoà Bình thanh lý 12 xe nhưng bán cả lô với giá 386 triệu đồng tương đương với mức chỉ 32 triệu đồng/xe trong đó có nhiều xe như Toyota Hilux đời 1999, Toyota 4Runner đời 1992 nếu định giá theo thị trường bán nhanh cũng được hơn 100 triệu đồng.
Việc bán theo lô được cho là dễ cho đơn vị thanh lý khi đẩy hàng nhanh, xe tốt bù xe kém nhưng trên thực tế lại khiến người dân muốn mua xe gặp khó và vô hình chung hạ giá thực của xe.
Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng đang tính khấu hao 10%/năm cho xe công được nhận định là cần xem lại bởi như vậy xe tiền tỉ thì sau 10 năm giá trị cũng sẽ bằng 0 trong khi đó giá trên thị trường của nhiều dòng xe hơn 10 năm tuổi vẫn ở mức hàng trăm triệu đồng. Cũng theo Cục Công sản, lượng xe ô tô công hiện nay có trị giá nguyên giá (giá khi mua) hơn 20.000 tỉ đồng nhưng giá trị còn lại chỉ còn 7.000 tỉ -8.000 tỉ đồng.
Quy định về thanh lý xe công
Theo quy định, ô tô phục vụ công tác được thanh lý khi đã sử dụng vượt quá thời gian theo chế độ quy định; hoặc sử dụng ít nhất 250.000 km (đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn là 200.000 km) mà không thể tiếp tục sử dụng; hoặc bị hư hỏng mà không bảo đảm an toàn khi vận hành theo kiểm định của cơ quan chức năng. Việc thanh lý ô tô được áp dụng: Bán tài sản Nhà nước; phá dỡ, hủy bỏ tài sản Nhà nước. Trường hợp xe ô tô thanh lý có giá trị còn lại được đánh giá lại theo quy định từ 50 triệu đồng/xe trở lên thì thực hiện bán đấu giá; xe thanh lý có giá trị còn lại dưới 50 triệu đồng/xe thì được bán chỉ định. Trường hợp trong số xe bán thanh lý có xe có giá trị đánh giá lại dưới 50 triệu/xe và có xe có giá trị đánh giá lại từ 50 triệu đồng/xe trở lên, để hiệu quả và thuận tiện thì thực hiện bán đấu giá cả lô.
Lao động