Xe điện Trung Quốc siêu rẻ hiện diện đúng như quan ngại của ông Trump và Elon Musk nhưng chỉ cái tên cũng đủ khiến nước Mỹ yên tâm: Xe túc túc
Giá 600 USD chưa gồm chi phí vận chuyển, những chiếc xe túc túc chạy điện có nguồn gốc Trung Quốc đang thu về nhiều sự chú ý ở nước Mỹ.
- 12-04-2024Chủ sở hữu xe điện đang được hưởng ưu đãi gì tại Vương quốc Anh
- 10-04-2024Tesla đang gặp rắc rối nhưng các đối thủ xe điện của Elon Musk mới thực sự “nếm trải nỗi đau”
- 10-04-2024Xe điện nhập khẩu "chất đống" ở các cảng tại lục địa giàu có, Tesla nhanh chân hơn các hãng Trung Quốc ở một khâu quan trọng
Tin xấu cho người Mỹ đang lo lắng về khả năng tồn tại của ngành sản xuất ô tô nội địa đã xuất hiện. Những chiếc xe điện siêu rẻ của Trung Quốc – sản phẩm mà tỷ phú Elon Musk và ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lo lắng – hiện đã lăn bánh trên các con đường ở Mỹ. Tuy nhiên, tin tốt là chúng chỉ có 3 bánh mà thôi.
Bao gồm phần đầu giống xe máy và phần đuôi thì giống xe bán tải hạng nhẹ, xe túc túc nổi tiếng ở châu Á với khả năng di chuyển linh hoạt, tải trọng ấn tượng so với loại hình phương tiện và khá kinh tế vì tiêu hao không nhiều nhiên liệu như ô tô. Chạy bằng xăng với những chiếc động cơ ồ ào, xe túc túc thực sự giống ngựa thồ ở Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á khác.
Thế nhưng, phiên bản hoạt động ở Mỹ hiện đại hơn. Chúng chạy hoàn toàn bằng điện, di chuyển êm ái và lý tưởng cho việc vận chuyển hàng hóa ở những khoảng cách ngắn. Và chúng chỉ có giá 600 USD, chưa bao gồm phí vận chuyển.
Chưa từng xuất hiện ở Mỹ trước đây, những chiếc xe túc túc này đột ngột mở ra cơ hội kinh doanh mới cho nhiều người gốc Trung trong vài tháng qua. Những lô xe cũng bắt đầu được đóng thùng và vận chuyển tới nước Mỹ từ các cảng của Trung Quốc.
“Cơn sốt” xe túc túc bắt đầu thông qua video của một vlogger tên Bobo ở Mỹ. Cô này sinh ra tại Bắc Kinh và hiện sống cùng gia đình ở Dearborn, Michigan – nơi cũng là quê hương của Henry Ford.
Cô đã tặng bố chồng người Mỹ một chiếc túc túc điện nhân dịp Giáng sinh và nó nhanh chóng trở thành một hiện tượng ở quanh vùng. Chiếc xe có thể chở tới 700 kg, sạc đầy bằng cách cắm vào ổ điện áp tiêu chuẩn 110 của người Mỹ. Sau khi đầy pin, nó có thể di chuyển trong phạm vi 60km.
Khi gia đình đăng ký được phương tiện và sử dụng nó để đi lại trên phố, mọi người xung quanh đã rất tò mò về chiếc xe, xin chụp ảnh và còn hỏi chỗ mua.
Khi các video của Bobo trở nên thị thành trên nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc, Luo Hao, 25 tuổi đến từ Quý Châu, Trung Quốc và hiện đang sống ở New York, đã ngay lập tức gọi điện cho một người bạn. Trong vòng vài giờ, họ quyết định khởi động đế chế kinh doanh của riêng mình, nhập xe túc túc từ Trung Quốc và bán chúng ở Mỹ.
Sau khi đặt hàng với một nhà sản xuất hồi tháng Giêng, lô 20 chiếc túc túc đã vượt Thái Bình Dương để đến cảng Los Angeles vào ngày 1/3. Ngày hôm đó, doanh thu bán hàng của Luo là 10.000 USD và toàn bộ số xe đã hết nhẵn trong vòng 3 tuần.
Tuy nhiên, với mỗi chiếc xe Luo bán ở Mỹ, phí vận chuyển có thể khiến giá thành chúng tăng gấp 3 lần so với giá xuất xưởng. Trên nền tảng AliExpress, một chiếc xe túc túc điện được giao từ Sơn Đông, Trung Quốc có giá 612,51 USD nhưng chi phí vận chuyển tới Mỹ là 1.460 USD.
“Mọi thứ đều rất rẻ trước khi đến Mỹ. Khi xe ba bánh đến, chúng tôi cũng cần thuê xe tải để giao chúng cho người mua ở các tiểu bang khác. Điều đó khiến tổng chi phí tăng thêm vài trăm USD”, Luo nói.
Do chi phí cao, Luo cho biết hoạt động kinh doanh của mình không tạo ra lợi nhuận nhưng cũng không lỗ. Trong khi đó, dự án này đã thu hút nhiều người khác làm theo, nhất là sau khi anh chia sẻ về nó trên mạng xã hội.
Ngoài ra, việc đăng ký các phương tiện này cũng không chắc chắn, nhất là khi quy định của mỗi tiểu bang ở Mỹ là khác nhau. Đối tượng khác hàng phổ thông có thể gặp khó nhưng các nhà bán hàng có thể lựa chọn đến các Hoa kiều đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ở Mỹ để bán sản phẩm này.
Ngay cả khi tính tất cả các chi phí, chiếc xe này cũng chỉ rẻ bằng 1/10 so với xe bán tải. Luo nói đùa rằng những chiếc túc túc này đã trở thành loại xe điện đầu tiên của Trung Quốc mở cửa được thị trường nước Mỹ.
Tham khảo: SCMP
Nhịp Sống Thị Trường