Xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Tại hội trường Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 27/10, việc điều hành giá xăng dầu vẫn là vấn đề được các đại biểu quan tâm. Bởi xăng dầu là yếu tố đầu vào của nhiều hoạt động và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, sản xuất của doanh nghiệp, cũng như giá cả của hàng hoá, dịch vụ, gây tác động đến mục tiêu kiềm chế lạm phát.
- 27-10-2022Chiếc VinFast VF8 hàng ‘lướt’ đầu tiên tại Việt Nam được rao bán
- 27-10-2022Mặt hàng tiêu dùng không ngờ đến này đang chứng kiến mức tăng mạnh nhất, nguyên nhân do đâu?
- 27-10-2022Sau ‘heo ăn chuối’ của bầu Đức, thị trường xuất hiện thêm ‘heo ăn chay’, cuộc đua thịt sạch đang ngày càng khốc liệt
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang), tình hình thiếu hụt xăng dầu xảy ra ở nước ta, nhất là ở khu vực phía Nam cho thấy, sự lúng túng trong chỉ đạo, xử lý tình huống này của các bộ, ngành liên quan trong quản lý Nhà nước.
Thời gian qua, từ việc quy định tính đúng, tính đủ đối với xăng dầu đến việc điều tiết nguồn cung của doanh nghiệp đầu mối để xử lý kịp thời sự thiếu hụt… đã khiến cho người dân, doanh nghiệp bức xúc. Thực trạng này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và sản xuất kinh doanh tại địa phương. Tuy vậy, vấn đề thiếu hụt xăng dầu vẫn xảy ra cục bộ ở một số địa phương.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá, việc đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu được Bộ Công Thương vào cuộc tích cực. Song vẫn cần sớm khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng tương tự.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất, cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu. Vấn đề giá cả xăng dầu thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhất.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý IV/2022 phục vụ nhu cầu thị trường, mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề nghị chi Quỹ bình ổn, bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, quỹ bình ổn xăng dầu phải được sử dụng đúng mục đích. Đó là bình ổn giá xăng dầu trong nước để góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường. Đồng thời, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, không thể dùng quỹ bình giá xăng dầu trong nước để hỗ trợ cho việc liên quan đến xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, bản chất kinh doanh của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không phải mua bán trực tiếp mà là ký các hợp đồng mua trước, bán trước. Những công ty kinh doanh xăng dầu có năng lực đánh giá, dự báo tốt thì giá xăng dầu thế giới tăng cũng không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Phương thức kinh doanh này cũng có rủi ro nhất định, khi doanh nghiệp mua phải giá cao, nhưng trong kỳ giá xăng dầu lại giảm khiến doanh nghiệp thua lỗ. Đây là vấn đề thuộc nghiệp vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp và giải pháp gỡ khó của cơ quan nhà nước bằng các biện pháp khác.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, thời gian tới phải xem xét các đầu mối nhập xăng dầu. Hiện việc thống nhất quản lý Nhà nước về xăng dầu nhưng không phải một đầu mối nhập khẩu. Vì vậy, Bộ Công Thương xem xét vấn đề của tất cả hay chỉ một vài đầu mối.
Bộ Công Thương cũng có thể có duy trì cơ chế tạo cạnh tranh giữa đầu mối, tránh tình trạng các đầu mối khó khăn dẫn tới nguồn cung hạn chế. Trong trường hợp, nếu không tạo được cơ chế cạnh tranh bình đẳng, các đầu mối nhập khẩu "bắt tay" để đưa ra "yêu sách" thì cơ quan quản lý Nhà Nước cần nắm bắt và xử lý.
Báo Tin tức