MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xem xét sửa Nghị định 24 để kiểm soát giá vàng

04-01-2024 - 08:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Không để giá vàng miếng chêch lệch lớn với giá vàng thế giới; sẽ xem xét sửa Nghị định 24 nhằm kiểm soát giá vàng; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ đánh giá lại vai trò của SJC trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình...

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định như vậy tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024, ngày 3/1.

Giá vàng biến động mạnh do cơ chế

Những ngày cuối năm 2023, giá vàng miếng SJC liên tục nhảy múa. Trong khi vàng nhẫn, nữ trang ổn định trong khoảng 63-64 triệu đồng mỗi lượng, giá vàng miếng SJC vọt lên mức kỷ lục, hơn 80 triệu đồng/lượng. Những ngày sau đó, giá vàng miếng liên tục tăng giảm với biên độ vài triệu đồng mỗi ngày, thậm chí trong vài giờ và chênh lệch so với thế giới vọt lên 20 triệu đồng/lượng.

Ngày 3/1, giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 72,5 - 75,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra; cao hơn vàng thế giới hơn 15 triệu đồng/lượng. Chỉ trong vòng nửa tháng qua, để tránh rủi ro, các doanh nghiệp luôn để khoảng cách mua vào, bán ra lên tới hơn 3 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm lên tới 5,5 triệu đồng/lượng trong khi trước đó chỉ dưới 1 triệu đồng/lượng.

Trước diễn biến bất thường của giá vàng miếng SJC trong những ngày qua, tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, đây là dịp để cơ quan quản lý đánh giá lại chính sách quản lý vàng, cũng như đánh giá, tổng kết lại những mục tiêu, chính sách của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo ông Tuấn, thời điểm ban hành Nghị định 24 cách đây hơn 10 năm trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn đang bất ổn nên đã góp phần ổn định thị trường vàng. Thời gian gần đây, giá vàng tăng cao nhưng tỷ giá vẫn ổn định, đây là cơ sở để chứng minh rằng mục tiêu ổn định ngoại hối đã đạt được.

Xem xét sửa Nghị định 24 để kiểm soát giá vàng - Ảnh 1.

Giá vàng miếng SJC có thời điểm cao hơn giá vàng thế giới 20 triệu đồng/lượng. Ảnh: Như Ý

Cũng theo ông Tuấn, trong tháng 1/2024, NHNN sẽ có báo cáo tổng kết, định hướng, trình Chính phủ chủ trương thay đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng để phù hợp tình hình mới. “Giá vàng thời gian qua biến động mạnh là do cơ chế. Chúng ta sửa cơ chế để khẳng định hai vấn đề: NHNN sẽ xem xét lại cơ chế quản lý vàng miếng; đối với vàng không phải vàng miếng, mục tiêu của NHNN không phải là quản lý các loại vàng này, thị trường tự quyết định”, ông Tuấn nói thêm.

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về giải pháp ngăn chặn sở hữu chéo ngân hàng trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Long, Phó Chánh thanh tra Giám sát ngân hàng cho biết, việc sở hữu chéo ngân hàng được ngân hàng đặc biệt quan tâm vì đây là vấn đề phức tạp. Mặc dù có quy định pháp lý về giới hạn góp vốn mua cổ phần ngân hàng nhưng thực tế phát hiện ra khó. Thậm chí, khi phát hiện ra nhưng việc khắc phục càng khó khăn hơn. “Thời gian tới, thanh tra, giám sát NHNN về việc góp vốn vào các tổ chức tín dụng, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm”, ông Long nói.

Theo ông Tú, tất cả những bất cập còn tồn tại trên sẽ được xử lý triệt để trong quá trình sửa đổi Nghị định 24 trong thời gian tới. Về việc độc quyền vàng miếng của SJC, Phó Thống đốc cho biết, Nghị định 24 quy định Nhà nước (đại diện là NHNN) độc quyền kinh doanh vàng. Còn vàng trang sức, vàng mỹ nghệ… thuộc chức năng của các bộ, ngành khác quản lý về mặt nhà nước, nhưng đó là hoạt động tự do của thị trường. Thời gian tới, khi sửa Nghị định 24, NHNN sẽ đánh giá lại vai trò của SJC trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Phó Thống đốc khẳng định, việc quản lý thị trường vàng miếng là vì quyền lợi của 100 triệu dân Việt Nam, chứ không phải quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Nhà nước không bảo hộ kinh doanh vàng bạc, nhất là vàng miếng và không bảo hộ giá vàng.

Năm 2024 không còn cơ chế xin - cho room tín dụng

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, hiện lãi suất giảm về mức thấp nhất trong 20 năm qua. Nhiều ngân hàng thương mại cho biết, lãi suất không thể thấp hơn nữa. Hiện tại, lãi suất huy động các ngân hàng mới phát sinh 3,9%/năm; cho vay 6,7%/năm, giảm trên 2%. Lãi suất huy động, cho vay thấp hơn nhiều với trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng: “Về mặt điều hành, nếu giảm được lãi suất phải giảm. NHNN không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024. Do đó, một trong những giải pháp NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất. Ngoài ra, điều hành lãi suất còn phải dựa trên diễn biến kinh tế thế giới và các cân đối vĩ mô lớn”.

Theo ông Tú, năm 2023, khoảng 1,5 triệu tỷ đồng cung ứng thêm cho nền kinh tế với tăng trưởng tín dụng 13,5%. Năm 2024, NHNN cấp tín dụng 1 lần trong năm ngay từ đầu năm và yêu cầu ngân hàng thương mại phấn đấu đạt chỉ tiêu này, đảm bảo cung ứng vốn cho vay phục vụ doanh nghiệp và người dân. “Nếu nền kinh tế có nhu cầu và vẫn kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô thì sẽ tăng 16%, chứ không dừng lại là 15%”, ông Tú nói.

Theo Phó Thống đốc, hạn mức tín dụng là bước thay đổi về cơ chế điều hành, trước đây xem là khoản cấp phát nay là cơ chế giao. “Chúng tôi đặt ra phải làm sao tăng trưởng tín dụng và đây là thông điệp vốn đưa vào nền kinh tế phải mạnh mẽ hơn. Nếu ngân hàng nào hết hạn mức có thể NHNN xem xét gia tăng nhưng làm sao vào đúng chứ không phải được ít vốn ném hết vào sân sau, hệ sinh thái của mình. NHNN sẽ giám sát việc này. Chúng tôi khẳng định năm 2024 không còn cơ chế xin - cho room tín dụng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Năm 2024, NHNN tiếp tục thực hiện các gói tín dụng ưu tiên lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, là động lực tăng trưởng của nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo Ngọc Mai

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên