MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xem xét thấu đáo việc tạm giam Phương Nga và trách nhiệm của ông Cao Toàn Mỹ

04-07-2018 - 08:52 AM | Xã hội

Liên quan đến việc cơ quan điều tra Công an TP.HCM vừa ra quyết định phục hồi điều tra vụ án hoa hậu Phương Nga có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dư luận băn khoăn đặt câu hỏi, với quyết định này, liệu bị can Phương Nga có bị bắt giam trở lại?

Phải căn cứ vào việc áp dụng biện pháp ngăn chặn

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa ra quyết định phục hồi điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phục hồi điều tra bị can đối với Trương Hồ Phương Nga (hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung (bạn thân của Phương Nga).

Theo quyết định phục hồi điều tra, căn cứ vào kết quả giám định tài liệu, cơ quan điều tra đã hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra vào năm 2012, 2013.

Đồng thời, cơ quan điều tra cũng hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ bị can đối với Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung.

Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm theo dõi. Liên quan đến thông tin trên, dư luận băn khoăn đặt câu hỏi, vậy sau khi phục hồi điều tra, bị can Phương Nga có bị bắt giam trở lại?

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp thuộc Công an TP. Hà Nội cho biết: “Trước đây, Phương Nga được tòa cho tại ngoại là có căn cứ, bởi vì thấy rằng việc tạm giam không cần thiết nữa.

Tuy nhiên, khi phục hồi điều tra lại thì người ta sẽ tính toán áp dụng biện pháp ngăn chặn, có thể bắt giam hoặc thấy bị can ở ngoài không ảnh hưởng gì đến quá trình điều tra thì tiếp tục cho áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc biện pháp bảo lãnh”.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng phân tích, theo quy định của pháp luật thì Phương Nga hoàn toàn có thể bị bắt giam lại, nếu như cơ quan tố tụng thấy cần thiết để ngăn chặn tội phạm hoặc ngăn chặn hành vi trốn tránh pháp luật của kẻ phạm tội.

“Lý do bắt tạm giam hay không là căn cứ vào việc áp dụng biện pháp ngăn chặn. Bắt giam là một trong những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự.

Mục đích của nó là để ngăn chặn tội phạm, có thể do bị can, bị cáo đó sẽ tiếp tục phạm tội. Hoặc ngăn chặn hành vi trốn tránh pháp luật của bị can, bị cáo như việc bỏ trốn.

Thậm chí còn để ngăn chặn người khác phạm tội với bị can, bị cáo đấy. Ví dụ như những trường hợp gây bức xúc xã hội, việc bắt tạm giam bị can, bị cáo cũng là để phòng ngừa cho họ không bị đánh hoặc bị trả thù.

Nếu như có các căn cứ đấy thì cơ quan điều tra, viện Kiểm sát hoặc tòa án hoàn toàn có thể quyết định việc bắt lại hay không bắt lại cô Phương Nga”, ông Hùng nhấn mạnh.

Hai tình huống xem xét trách nhiệm của ông Cao Toàn Mỹ

Thượng tá Hùng đặt vấn đề: “Giả sử sau này, nếu như Phương Nga được chứng minh vô tội hoặc không đủ căn cứ buộc tội thì đương nhiên cơ quan chức năng phải bồi thường cho người ta”.

Nếu cung cấp tài liệu sai sự thật, Phương Nga có thể bị bắt giam

Cũng theo vị cán bộ nguyên là điều tra viên cao cấp này, nếu trường hợp Phương Nga được tòa tuyên vô tội thì cơ quan tố tụng phải xem xét hành vi khách quan và ý thức chủ quan của ông Cao Toàn Mỹ.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng phân tích, khi đó, có 2 tình huống xảy ra: “Thứ nhất, nếu ông Cao Toàn Mỹ biết rõ hoa hậu Phương Nga không có tội mà vẫn cố tình tố cáo để các cơ quan pháp luật xử lý Phương Nga hoặc nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của hoa hậu Phương Nga thì sẽ bị xử lý về tội Vu khống.

Thứ hai, nếu như cơ quan tố tụng không đủ căn cứ để khẳng định ông Mỹ đã biết rõ, ông ý chỉ nghĩ rằng mình bị mất tiền và trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan có thẩm quyền nên mới làm đơn tố cáo.

Trong trường hợp này thì ông Mỹ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nghĩa là, ông ta chỉ biết mình mất tiền thì mình trình báo như thế, còn việc người bị tố cáo có phạm tội hay không là do cơ quan tố tụng phán quyết, chứ mình không có ý đồ vu khống, như vậy thì không thể kết tội ông ta được”.

Cũng liên quan đến thông tin vụ án được phục hồi điều tra, một số ý kiến dư luận nghi ngại, nếu giả sử ông Mỹ cảm thấy “không chắc chắn” thì có được làm đơn bãi nại hay không?

Giải đáp về vấn đề trên dưới góc nhìn của một chuyên gia pháp lý, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng nói: “Đối với loại tội này thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự không phụ thuộc vào ý chí của người tố giác tội phạm.

Khi cơ quan tố tụng chứng minh có đủ căn cứ buộc tội đối với tội phạm thì vẫn tiến hành xử lý bình thường. Kể cả việc bị hại có rút đơn hay không thì vẫn không ảnh hưởng gì hết”.

Việc bắt tạm giam Phương Nga là không cần thiết

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: "Việc bắt tạm giam Phương Nga là không cần thiết vì trước đó Phương Nga đã bị tạm giam hơn 2 năm.

Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự thì thời gian tạm giam của Phương Nga đã hết. Phương Nga chỉ có thể bị bắt tạm giam trở lại nếu có một trong cách hành vi như: Bỏ trốn, hủy hoại tài liệu vụ án, cản trở hoạt động điều tra, cản trở hoạt động xét xử của tòa án hoặc phạm tội mới".

Trưởng văn phòng luật sư Đức Thịnh đặt ra tình huống: "Trong trường hợp, sau này, khi Phương Nga được tòa tuyên vô tội thì ông Cao Toàn Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu Phương Nga làm đơn tố cáo ông Mỹ đã vu khống mình.

Khi Nga được xác định là oan, về trách nhiệm Nhà nước, VKSND TP.HCM phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất cho Phương Nga về cả tinh thần lẫn vật chất theo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017".

Ông Cao Toàn Mỹ nói gì về việc phục hồi điều tra?

Trong giai đoạn điều tra, ông Cao Toàn Mỹ đã ủy quyền cho ông Trần Huy Tuấn phát ngôn về vụ án này. Đánh giá về phục hồi điều tra, ông Trần Huy Tuấn cho hay: "Việc cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM phục hồi điều tra vụ án là một thủ tục tố tụng bình thường, được thực hiện theo đúng quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Cá nhân tôi và ông Cao Toàn Mỹ đánh giá cao động thái này của cơ quan Cảnh sát điều tra.

Sau phiên tòa sơ thẩm lần hai, các luật sư bào chữa của Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung đã có ý kiến, thậm chí thể hiện bằng văn bản gửi các cơ quan tố tụng cho rằng có cơ sở để đình chỉ vụ án và cho rằng 2 bị cáo vô tội, dư luận xã hội cũng đồng loạt hướng về phía các bị cáo. Tuy nhiên, quyết định phục hồi điều tra vụ án của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho thấy điều ngược lại.

Rõ ràng, quyết định phục hồi điều tra cho thấy cơ quan cảnh sát điều tra có cơ sở, chứng cứ để cho rằng việc 2 cô này lấy tiền của ông Cao Toàn Mỹ có dấu hiệu tội phạm.

Mặt khác, động thái nói trên cũng cho thấy, quan điểm của luật sư và xã hội cho rằng 2 bị cáo vô tội là hoàn toàn không có căn cứ, bởi vụ án phải được đánh giá dựa trên các chứng cứ vật chất và tính khách quan của diễn biến thực tế vụ án.

Ông Cao Toàn Mỹ hoàn toàn có đủ các chứng cứ để chứng minh rằng ông ấy là bị hại. Nói cách khác, ông Mỹ có đầy đủ chứng cứ và lập luận để khẳng định ông đã bị Nga và Dung lừa đảo chiếm đoạt 16,544 tỷ đồng thông qua chiêu bài mua nhà giá rẻ.

Ông Mỹ đang hợp tác tích cực với các cơ quan tố tụng để cung cấp chứng cứ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ một số căn cứ chứng minh ông Mỹ bị lừa.

Ông Mỹ mong muốn vụ án phải được giải quyết đúng bản chất, đúng sự thật, và kẻ vi phạm pháp luật phải bị trừng trị tương xứng với hành vi của mình".

Theo Nguyễn Hường

Pháp luật & đời sống

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên