Xem xét từ chối nhà máy giấy 5.000 tỷ của Đài Loan vì lo ô nhiễm
Tiền Giang khẳng định cần thời gian xem xét tác động môi trường để quyết định có cho dự án đầu tư hay không...
- 03-04-2017Phát hiện bể chứa bùn thải hôi khủng khiếp ở nhà máy giấy Lee & Man
- 21-08-2016Hải Phòng: Di dời nhà máy giấy Hapaco, đề xuất đóng cửa nhà máy DAP
- 05-07-2016Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường của Nhà máy giấy Lee&Man
- 05-07-2016Nhà máy giấy 2.000 tỉ ‘trùm mền’, người dân ôm nợ
Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) vừa có văn bản gửi lên Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về tình hình triển khai dự án Nhà máy giấy Đại Dương do Công ty Chang Yang Holding Limited (100% vốn Đài Loan) làm chủ đầu tư.
Dự án được xây dựng ở khu công nghiệp Long Giang với tổng vốn đầu tư 4.936,8 tỷ đồng, tương ứng 220 triệu USD. Mục tiêu của dự án là sản xuất các loại giấy duplex, giấy kraft trắng, giấy duplex xám, giấy kraft gợn sóng, giấy gia dụng...
Quy mô giai đoạn 1 của dự án là 170.000 tấn/năm, giai đoạn 2 là 238.000 tấn/năm. Tổng công suất của dự án là 413.00 tấn/năm, thị trường tiêu thụ là tại Việt Nam, Đài Loan và một số nước khác. Nguyên liệu cho dự án 50% đến từ nguồn giấy vụn thu mua tại Việt Nam, còn lại nhập khẩu. Trong trường hợp giấy vụn không đủ, nhà đầu tư sử dụng bột giấy dự phòng được nhập khẩu 100%.
Ngày 15/3/2016, Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương (Đài Loan). Dự kiến tháng 8/2017 dự án bắt đầu đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, theo Vụ Công nghiệp nhẹ, thời gian qua, dư luận và một số chuyên gia cho rằng dự án này đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm cho sông Tiền và vùng phụ cận, sẽ dùng 7.500m3 nước/giờ và lưu lượng xả thải khoảng 5.000m3/giờ.
"Nhiều nhà khoa học được tham vấn đều khuyến nghị Tiền Giang nên cẩn trọng, thậm chí từ chối dự án Nhà máy giấy Đại Dương, quyết không thể để nhà đầu tư đặt chuyện đã rồi, đúng tinh thần không đánh đổi môi trường lấy dự án kinh tế của Thủ tướng Chính phủ”, Vụ Công nghiệp nhẹ nêu.
Trước áp lực dư luận, UBND Tiền Giang đã tổ chức họp lấy ý kiến các nhà khoa học và chuyên gia đối với nhà máy giấy Đại Dương. Theo đó, các nhà khoa học, chuyên gia nhấn mạnh ngành giấy là một trong những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn nhất.
Với công nghệ chuyển từ giấy phế phẩm sang bột giấy phải chuyển qua nhiều giai đoạn như tẩy mực, băm nhuyễn, làm trắng…sử dụng nhiều loại hoá chất và bản thân các phế phẩm từ giấy cũng chứa nhiều chất ô nhiễm có độc tính cao.
Do đó, khi xả thải ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ con người và thuỷ sinh. Vì vậy, theo các nhà khoa học, cần phải cân nhắc và thẩm định công nghệ sản xuất giấy của công ty này, công nghệ xử lý nước thải, cũng như môi trường nói chung, trước khi quyết định đầu tư dự án.
Quan điểm của UBND tỉnh Tiền Giang tại buổi họp là: “Ban quản lý các khu công nghiệp và các sở, ngành chuyên môn của tỉnh mới thẩm định các nội dung về đầu tư. Nhà đầu tư đang ở giai đoạn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, do tính chất phức tạp của dự án, Tiền Giang cần phải có thời gian đánh giá đầy đủ những tác động của dự án, đặc biệt là tác động về môi trường, để quyết định cho dự án đầu tư hay không trong thời gian tới”.
Vụ Công nghiệp nhẹ cho rằng, dự án đã được UBND tỉnh Tiền Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2016 tuy nhiên, theo quy định do việc triển khai dự án mới chỉ ở giai đoạn tiền khả thi nên tỉnh Tiền Giang chưa tiến hành xin ý kiến các bộ ngành liên quan.
"Sản phẩm chính của Nhà máy giấy Đại Dương là giấy duplex, việc sản xuất sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do sử dụng giấy đã qua sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Vì vậy, lo ngại của các nhà khoa học, người dân về ô nhiễm môi trường là có cơ sở”, Vụ Công nghiệp nhẹ nói.
Theo đó, dự án trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi nên các thông số kỹ thuật của dự án mới chỉ là dự kiến và chưa có chính thức. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án hiện vẫn chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, hồ sơ báo cáo tác động môi trường của nhà đầu tư sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến của các bộ ngành, địa phương, khi đó Bộ Công Thương sẽ chính thức trả lời và báo cáo Bộ trưởng.
Liên quan đến việc xây dựng Dự án Nhà máy giấy Đại Dương trước đó, nhiều nhà khoa học đã phản ứng và đề nghị tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư dự án này vì cho rằng, dự án sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, phía chủ đầu tư dự án cho rằng, xây dựng nhà máy giấy đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam, không có lý do bị thu hồi khi báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn chưa được phê duyệt. Chủ đầu tư cũng ra "yêu sách" nếu bị thu hồi thì tỉnh Tiền Giang phải bồi thường 10 triệu USD.
VnEconomy