Xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh cùng các đồng phạm
Theo kế hoạch, ngày 8-1, TAND TP Hồ Chí Minh sẽ mở phiên toà xét xử giai đoạn 2, vụ án Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và các đồng phạm.
- 20-12-2017Trầm Bê đã giúp sức cho Phạm Công Danh ra sao?
- 11-12-2017Tháng 1-2018: Xử Trầm Bê, Phạm Công Danh và Huyền Như
- 24-11-2017Truy tố Phạm Công Danh và 45 bị can trong giai đoạn 2 đại án ngàn tỷ
Liên quan đến vụ án này có đến 46 bị can bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", trong số đó 2 bị can "cộm cán" là ông Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank) và Phan Huy Khang (45 tuổi, nguyên TGĐ Sacombank).
Liên quan trong vụ án, có 7 ngân hàng và hàng chục công ty và gần 200 người được toà triệu tập với vai trò đại diện đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo trạng, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận chủ trương phương án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau đổi tên là VNCB), Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối ngân hàng trong khi ngân hàng này đang bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước.
Do có nhu cầu cần tiền để sử dụng, lợi dụng là người nắm quyền chi phối ngân hàng, Danh đã chỉ đạo cấp dưới dùng pháp nhân 29 công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân đứng tên hồ sơ vay vốn tại 3 ngân hàng. Sau đó, Danh dùng tiền gửi của VNCB tại các ngân hàng này để cầm cố và trả nợ thay, gây thiệt hại cho VNCB trên 6.126 tỷ đồng.
Liên đới chịu trách nhiệm trong việc gây thất thoát cho VNCB, cáo trạng xác định hai cựu lãnh đạo Sacombank đã trực tiếp gây thiệt hại cho VNCB số tiền 1.835 tỷ đồng.
Theo đó, để có nguồn tiền thanh toán cho khoản vay 1.700 tỷ đồng tại một số ngân hàng khác, giữa tháng 4-2013, Danh trực tiếp đến trụ sở Sacombank (quận 3, TP Hồ Chí Minh) gặp ông Trầm Bê đặt vấn đề vay 2.000 tỷ đồng. Trầm Bê và Khang thống nhất Sacombank sẽ cho Danh vay tối đa 1.800 tỷ đồng.
Phạm Công Danh (hàng đầu, bìa trái) và các đồng phạm tại phiên toà vào năm 2016.
Để hợp thức hồ sơ vay có bảo lãnh của VNCB, ngày 24-4-2013, Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên GĐ VNCB chi nhánh Sài Gòn) lập biên bản họp HĐQT VNCB về việc bảo lãnh cho khách hàng vay vốn tại Sacombank. Ngày 25-4-2013, Danh và các thành viên HĐQT ký biên bản họp chấp thuận cử Phan Thành Mai (nguyên TGĐ VNCB) đứng tên chủ tài khoản và ký trên các chứng từ giao dịch liên quan đến tài khoản VNCB tại Sacombank - chi nhánh quận 8 và Hưng Đạo.
Cùng ngày, Trầm Bê ký duyệt hai tờ trình của Sacombank về việc chấp thuận chủ trương cấp tín dụng cho Công ty Nhất Nhất Vinh 250 tỷ đồng, Công ty Quốc Thắng 350 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng. Sau đó, hai tờ trình này được hợp thức hoá bằng hai tờ trình ngày 24-4-2013 để đối phó với cơ quan chức năng…
Ngay sau khi hợp đồng hoàn thiện, Phan Thành Mai ký lệnh điều chuyển vốn từ Hội sở chính VNCB đến tài khoản của VNCB tại Sacombank chi nhánh quận 8 số tiền 1.236 tỷ đồng và Sacombank chi nhánh Hưng Đạo 618 tỷ đồng để vay số tiền 1.800 tỷ đồng (số tiền chênh lệch là tiền lãi Sacombank tính lãi khi hết hạn vay 12 tháng, Sacombank chủ động thu đủ cả gốc cả lãi).
Sau khi VNCB chuyển số tiền trên để giải ngân cho 6 công ty toàn bộ khoản vay 1.800 tỷ đồng tại Sacombank đã được chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh. Số tiền này, Danh sử dụng trả nợ cho các khoản vay hơn 1.633 tỷ đồng, còn lại hơn 166 tỷ đồng Danh sử dụng cùng các khoản tiền khác.
Đến ngày 26-4-2014, do hết hạn hợp đồng tín dụng Sacombank đã tự động thu nợ 1.835,8 tỷ đồng (cả gốc và lãi) từ tiền gửi của VNCB tại Sacombank để thu hồi nợ, đồng thời gửi thông báo cho VNCB và 6 công ty trên được biết. Do 6 công ty không có tài sản đảm bảo nên VNCB không thu hồi được số tiền gửi đã dùng để trả nợ thay cho các công ty, gây thiệt hại cho VNCB.
Công an nhân dân