Xét xử sơ thẩm hơn 1.900 vụ án kinh tế, tham nhũng trong 6 tháng
Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ tòa đã xét xử, chủ yếu phạm các tội về "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", "tham ô tài sản", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"…
- 06-05-2024Ông Phan Văn Mãi: Không phải trường hợp cán bộ nào bị xử lý cũng là tham nhũng, nhận hối lộ
- 06-05-2024Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Cần ngăn chặn sai phạm, tha hóa từ sớm
- 01-05-2024Thu hồi hơn 10.000 tỷ đồng bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có báo cáo gửi Quốc hội về công tác của các tòa án 6 tháng đầu năm (giai đoạn từ 1/10/2023 đến tháng 3/2024).
Liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, các tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm hơn 2.860 vụ, với hơn 6.450 bị cáo; đã xét xử hơn 1.900 vụ, hơn 3.750 bị cáo.
Qua xét xử, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tử hình và tù chung thân 534 bị cáo; phạt tù có thời hạn 43.647 bị cáo, miễn trách nhiệm hình sự 31 bị cáo, có 1 bị cáo tòa án tuyên không có tội.
Đáng lưu ý, các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ mà tòa đã xét xử chủ yếu phạm các tội về " cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", "tham ô tài sản", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"…
Cũng theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước. Đồng thời, chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung.
Báo cáo gửi tới Quốc hội cũng khẳng định, các tòa án đã chủ động làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án dân sự trong công tác giải quyết các vụ án. Đồng thời, tham gia phối hợp chặt chẽ ngay từ giai đoạn điều tra, hỗ trợ tích cực về mặt pháp luật, thu thập chứng cứ, tháo gỡ vướng mắc nghiệp vụ để thực hiện tốt công tác xét xử, kịp thời thu hồi các tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong vụ án.
Bên cạnh việc quyết định hình phạt, tòa án tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước với các khoản tiền nhận hối lộ, được hưởng lợi từ việc phạm tội hoặc phải bồi thường, khắc phục hậu quả với những khoản tiền bị thất thoát, chiếm đoạt.
Cụ thể, các tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản với 69 vụ, với 216 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền và tài sản trên 1.660 tỷ đồng. Trong đó, có 59 vụ, với 188 bị cáo đã khắc phục hậu quả, nộp lại tài sản đã chiếm đoạt trên 266 tỷ đồng.
Về các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, các vụ án dư luận xã hội quan tâm, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, TAND tối cao đã tập trung chỉ đạo các tòa án tổ chức xét xử nghiêm minh, đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật;
Tòa cũng phối hợp tốt với liên ngành tố tụng ở trung ương chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án. Điển hình như vụ Việt Á, Tân Hoàng Minh, chuyến bay giải cứu, vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB, Vạn Thịnh Phát... Các tòa án đã xử lý nghiêm một số vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội.
Tiền phong