Xét xử Thứ trưởng Lê Bạch Hồng: Ai sẽ trả tiền cho bảo hiểm Việt Nam
Nguyên Thứ trưởng Lê Bạch Hồng và các đồng phạm mang tiền quỹ bảo hiểm cho vay không đúng đối tượng, gây thất thoát gần 1.700 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp nhận nợ đã bị phá sản, tổng giám đốc bị tuyên tử hình...
Ngày 19/9, TAND TP Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi trong phiên xử vụ án “ Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ”, thất thoát gần 1.700 tỷ đồng xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHVN).
Các bị cáo trong vụ gồm Lê Bạch Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên Tổng GĐ BHXH; Nguyễn Huy Ban - nguyên Tổng GĐ BHXH; Nguyễn Phước Tường - nguyên Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính kiêm Kế toán trưởng BHXH; Hoàng Hà và Trần Tiến Vỹ - cùng nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BHXH bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Trần Thị Thanh Thủy - nguyên Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp BHXH bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, Cty Cho thuê tài chính II (Cty ALC II, thuộc Ngân hàng Agribank) không phải đối tượng được vay vốn từ nguồn BHXH nhưng năm 2008, ông Vũ Quốc Hảo - Tổng GĐ ALC II vẫn xin vay tiền từ BHXH. Phía Agribank cũng phát hành 3 thư bảo lãnh cho ALC II.
Vì vậy, BHXH đã “rót” cho ALCII vay 1.010 tỷ đồng và việc cho vay này không đúng đối tượng, trái luật … Năm 2018, ALC II bị phá sản và đến đây, doanh nghiệp còn nợ BHXH Việt Nam hơn 1.697 tỷ đồng (hơn 769 tỷ tiền gốc, hơn 928 tỷ tiền lãi), hoàn toàn không có khả năng thanh toán. Ông Vũ Quốc Hảo cũng đã bị tuyên tử hình về tội “Tham ô tài sản”, hiện đang chờ thi hành án.
Ông Vũ Quốc Hảo - nguyên Tổng GĐ ALC II đã bị tuyên tử hình vẫn được triệu tập tới tòa.
Bị xét hỏi tại tòa, ông Lê Bạch Hồng trả lời đã đồng ý cho ALC II vay vì lúc đó, tiền của BHXH đang nhàn rỗi và cũng không thấy có báo cáo là ALC II làm ăn yếu kém; nếu không cho vay, Nhà nước sẽ mất vài tỷ đồng/ngày nên lãng phí.
Đánh giá việc làm của mình, nguyên Thứ trưởng cho rằng giai đoạn 2010-2015, BHXH thiệt hại 173 tỷ đồng nhưng mang về tới 51.000 tỷ đồng tiền lãi vay. “173 tỷ đó là không may xảy ra, nhưng con số 51.000 tỷ đồng là rất lớn” – lời Lê Bạch Hồng.
Bị cáo này cho biết từng làm việc với Agribank và được ngân hàng này cam kết trả nợ, không từ bỏ nghĩa vụ bảo lãnh. Ông Hồng nói, Agribank từng gửi công văn khẳng định sẽ chịu trách nhiệm và thực tế họ đã trả 200 tỷ đồng, hứa sẽ tiếp tục trả.
Được triệu tập đến tòa, ông Vũ Quốc Hảo khai báo, việc ALC II vay tiền của BHXH liên quan đến việc bảo lãnh của Agribank. Nếu không có bảo lãnh, ALC II sẽ không được vay tiền.
Ngoài ra, đại diện BHXH cũng đề nghị tòa án tuyên Agribank phải thực hiện nghĩa vụ, trả cho mình số tiền ALC đã vay.
Ngược lại, đại diện Agribank khẳng định 3 văn bản bảo lãnh đã phát hành hoàn toàn không liên quan tới 14 hợp đồng vay tiền giữa ALC II và BHXH. Ngân hàng này cũng kiến nghị với TAND Tối cao về việc TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên bố ALC II phá sản.
Tiền phong